Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của Dự luật về việc Quốc hội chỉ giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội và cần làm rõ quy định “nghị quyết giám sát của Quốc hội là quyết định cao nhất”. Vấn đề băn khoăn nhất sau các hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Quan điểm Dự luật đưa ra nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật là: Đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản nêu rõ những mặt được, chưa được của đối tượng chịu giám sát; các biện pháp xử lý, kiến nghị xử lý cụ thể. Ý kiến chính thức này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành. Cùng với đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát, nhiều thành viên Ủy ban đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ vào Dự luật về hiệu quả pháp lý của giám sát cùng với chế tài đối với việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ yêu cầu giám sát... Quy định về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát tại Dự luật, trong đó có quy định “đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật” cũng không nhận được sự nhất trí từ cơ quan thẩm tra. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, né tránh hoặc cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó, cần bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ủy ban tán thành với Dự luật đưa quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và luật hóa các quy định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.