Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Phước:

Kết luận nhiều sai phạm quản lý, khai thác khoáng sản được báo chí phản ánh

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

KTĐT – Ngày 3/8, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản tại 3 địa phương là TX Phước Long, huyện Bù Đăng và Bù Đốp. Giai đoạn thanh tra từ 1/1/2020 đến 31/12/2022.

Công trình xây dựng, san lấp có lấn chiếm mặt nước hồ tự nhiên xảy ra tại hồ cầu 38,  xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Lâm Thiện.
Công trình xây dựng, san lấp có lấn chiếm mặt nước hồ tự nhiên xảy ra tại hồ cầu 38,  xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Lâm Thiện.

Theo đó, kết luận thanh tra (KLTT) số 234 của UBND Bình Phước tỉnh nêu rõ: Từ năm 2020 – 2022 UBND TX Phước Long đã xử phạt 5 cá nhân với số tiền hơn 50 triệu đồng, hầu hết các lỗi vi là san lấp, cải tạo mặt bằng trái phép trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, địa phương chưa kiểm tra hiện trạng sau khi xử phạt; các hộ vi phạm chưa khắc phục hiện trạng ban đầu, chưa có biện pháp xử lý đối với các hộ vi phạm.

Tại huyện Bù Đốp, từ năm 2020 – 2022 UBND huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Qua đó phát hiện 20 tổ chức/cá nhân vi phạm, với tổng số tiền xử phạt 302 triệu đồng.

KLTT cho rằng, các lỗi vi phạm tại địa phương đều do san lấp chưa đúng quy định, chưa có chỉ tiêu giao chuyển mục đích sử dụng đất, một số cá nhân, tổ chức vi phạm chưa khắc phục tình trạng ban đầu. Địa phương chưa thực hiện tốt việc kiểm tra sau khi xử phạt vi phạm hành chính.

Trong 3 địa phương đoàn thanh tra thực hiện thanh tra trong đợt này, địa phương để xảy ra nhiều vấn đề sai phạm nhất phải kể đến huyện Bù Đăng. Tại đây, có những vụ việc sau khi phát hiện vi phạm nhưng chính quyền địa phương buông lỏng, không xử lý.

Cụ thể, tại địa phương này trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022 đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, qua đó phát hiện 19 tổ chức/cá nhân vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 780 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện việc ông Triệu Văn Lực và Nguyễn Văn Hòa tại xã Đường 10 (lô 9, khoảnh 6, tiểu khu 145 và thôn 5) khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình, suy giảm khả năng sử dụng đất... nhưng UBND huyện Bù Đăng không xử phạt theo quy định là buông lỏng quản lý.

Một điểm khai thác đất trái phép tại huyện Bù Đăng, đất đá vương vãi ra đường quốc lộ, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị...Ảnh: Lâm Thiện.
Một điểm khai thác đất trái phép tại huyện Bù Đăng, đất đá vương vãi ra đường quốc lộ, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị...Ảnh: Lâm Thiện.

Việc ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Đắk Nhau) tự ý mở đường đi trên đất nông nghiệp không có trong quy hoạch nhưng UBND xã chỉ xử phạt vi hành chính 6 triệu đồng, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc ông này khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là chưa đủ răn đe.

KLTT cũng cho biết, tại huyện Bù Đăng liên quan đến một số cá nhân, tổ chức vi phạm sau khi cơ quan báo đài phát hiện và phản ánh địa phương đã vào cuộc xác minh, xử phạt hàng trăm triệu đồng. Cụ thể như:

Kênh truyền hình VTV8 phát hiện, phản ánh vụ khai thác đá bazan trái phép xảy ra tại thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau. Vụ việc đang được Công an huyện Bù Đăng xác minh, xử lý theo quy định.

Vụ đào bới, san lấp, hủy hoại đất, lấn chiếm lòng hồ, xây dựng đường giao thông trái phép xảy ra tại hồ Cầu 38 (thuộc xã Đức Liễu), 2 cá nhân vi phạm là bà Đặng Hồng Nhung và ông Đỗ Thế Vinh. Thông tin này cũng từng được báo Kinh tế & Đô thị phát hiện, phản ánh

Đường bê tông kiên cố dài hàng trăm mét chủ đầu tự ý xây dựng băng qua ngọn đồi, băng qua công trình nơi bà Đặng Hồng Nhung đang thành hình nhiều hạng mục. Điểm cuối con đường này nằm sát mép hước hồ cầu 38, thôn 5, xã Đức Liêu, huyện Bù Đăng. Ảnh: Lâm Thiện.
Đường bê tông kiên cố dài hàng trăm mét chủ đầu tự ý xây dựng băng qua ngọn đồi, băng qua công trình nơi bà Đặng Hồng Nhung đang thành hình nhiều hạng mục. Điểm cuối con đường này nằm sát mép hước hồ cầu 38, thôn 5, xã Đức Liêu, huyện Bù Đăng. Ảnh: Lâm Thiện.

KLTT cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của 3 địa phương nêu trên liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai như chậm triển khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; chưa lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch sử dụng đất hằng năm; việc đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn sai sót, không đúng đối tượng; một số trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng không thông qua đấu giá; việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất và phối hợp xác minh thực địa chưa phù hợp; còn xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu 3 địa phương trên kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai sót mà đoàn thanh tra đã chỉ ra; kịp thời chấn chỉnh tình trạng hồ sơ trễ hạn đối với các thủ tục hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động đấu giá trên địa bàn; đề xuất biện pháp xử lý những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, tổ chức đã nêu ở KLTT.

Yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án xử lý vi phạm đối với tuyến đường bê tông kiên cố dài khoảng 100m tại tại ngọn đồi ven hồ Cầu 38, cá nhân mới đầu tư tại công trình bà Đặng Hồng Nhung, thuộc thôn 5, xã Đức Liêu, huyện Bù Đăng.