Khai mạc tại chương trình có sự hiện diện của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh điều phối và chủ trì chương trình.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 63 điểm cầu từ các Sở Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cùng khoảng 4000 người tham gia trực tuyến. Bên cạnh đó, chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP; Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: do diễn biến phức tạp của đại dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh: ngành dệt may do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường chủ lực và truyền thống như Mỹ, EU; ngành da giày với đa số doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Nhờ có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới, xuất nhâp khẩu của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt tăng trưởng tích khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt sâu mốc 500 tỷ USD, đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,7 tỷ USD, tăng 3,7% và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng 7% so với năm trước, bằng đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020. Điều này đã thể hiện được thành công bước đầu của Việt Nam khi cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực và thế giới về khả năng duy trì tăng trưởng.