Kết nối đưa nông sản sạch Tây Bắc về Hà Nội

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/7, Sở NN&PTNT Hà Nội làm việc với Sở NN&PTNT Sơn La về công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa hai tỉnh, TP.

Sơn La là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp với đất đai rộng lớn, tầng canh tác dày, lại có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau. Đặc biệt, Sơn La có hai cao nguyên lớn là cao nguyên Nà Sản – Sơn La và cao nguyên Mộc Châu. 

Cao nguyên Nà Sản – Sơn La dài 100km chạy dọc Quốc lộ 6 từ huyện Thuận Châu đến Yên Châu, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho việc phát triển các cây công nghiệp như mía, cà phê, cây ăn quả (xoài, nhãn, na, dứa, chuối)... Cao nguyên Mộc Châu dài 80km bắt đầu từ huyện Yên Châu đến huyện Mộc Châu, nhiệt độ trung bình 18 độ C, thuận lợi phát triển cây chè, rau, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, chăn nuôi bò sữa…
Thăm vùng sản xuất cà phê tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Thăm vùng sản xuất cà phê tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên
 
Về chăn nuôi, tỉnh Sơn La có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi như nhiều đồng bãi chăn thả, diện tích trồng cỏ gieo trồng lớn với diện tích hiện có hơn 2.700ha trồng cỏ, phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê… Về thủy sản, tỉnh có diện tích mặt nước lớn đạt trên 2.500ha, trên 500 hồ đập, công trình thủy lợi lớn nhỏ, gần 5.000ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá. Ngoài ra, một số vùng núi cao có thể phát triển các loại thủy sản đặc sản như ba ba, cá nước lạnh như ca hồi, cá tầm…

Bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng thực phẩm an toàn từ Sơn La đưa về tiêu thụ tại Hà Nội đạt khá lớn. Cụ thể, rau an toàn Mộc Châu đạt hơn 430 tấn, mận hậu Mộc Châu hơn 100 tấn, mật ong 270 tấn, chủ yếu tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, đại lý bán lẻ… 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn về Hà Nội. Tiêu biểu như chuỗi sản xuất, cung ứng rau an toàn tại xã Mường Sang, Đông Sang, huyện Mộc Châu với diện tích 22ha, sản lượng 350 tấn. Chuỗi sản xuất, cung ứng cam tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên, diện tích 3,5ha, sản lượng 95 tấn/năm. Chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu và xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, sản lượng 250 tấn/năm…

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện nhiều DN, cơ sở sản xuất, HTX của tỉnh Sơn La đều chia sẻ, mặc dù sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn có chất lượng tốt nhưng đều gặp khó khăn về đầu ra và giá bán sản phẩm không ổn định. Do đó, các DN, HTX mong muốn được kết nối, đưa nông sản thực phẩm Sơn La về tiêu thụ tại Hà Nội, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất…

Đi cùng đoàn có đại diện một số DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối, cung ứng thực phẩm sạch như Công ty CP Nhất Nam, Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, Công ty CP VietRAP đầu tư thương mại, siêu thị Ngôi sao, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Khoa Nguyễn, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico)… Trước khó khăn hiện tại của các DN, HTX sản xuất của Sơn La, các DN Hà Nội đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm, bảo quản, chế biến… nhằm hợp tác, kết nối đưa sản phẩm về tiêu thụ tại Hà Nội. 

Cũng tại buổi làm việc, đại diện hai Sở NN&PTNT, các DN, HTX, cơ sở sản xuất của Sơn La và Hà Nội đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối đưa nông sản thực phẩm an toàn về tiêu thụ tại Thủ đô.

Cùng ngày, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tới thăm vùng sản xuất nhãn muộn, na tại HTX Dịch vụ và nông nghiệp nhãn chín muộn, xã Chiềng mung, huyện Mai Sơn và quy trình chế biến cà phê tại Công ty TNHH Cà phê Sơn La, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trước đó, ngày 27/7, Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên về công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp.

 Điện Biên là tỉnh có một số nông sản đặc sản vùng miền khá ngon như gạo, cà phê, chè Tuyết Shan, sản phẩm chế biến từ thịt… Trong đó, cây lúa là cây lương thực chủ lực của tỉnh Điện Biên với các giống chủ lực như Hương Việt, IR64, Bắc thơm số 7, Hương thơm 1, Séng Cù, Nếp 87, Khẩu tan… Vùng sản xuất lúa tập trung tại lòng chảo Điện Biên với diện tích khoảng 4.000ha. Cây chè có diện tích gần 600ha với tổng sản lượng hàng năm khoảng 75,3 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Tủa Chùa. Đặc biệt, tổng diện tích trồng cà phê toàn tỉnh là hơn 4.100ha, trong đó khoảng hơn 3.400ha trong thời kỳ thu hoạch. Sản lượng cà phê hàng năm đạt khoảng hơn 6.300 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Mường Ảng, Điện Biên, TP Điện Biên Phủ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, hiện nay dù đã có một số DN tham gia thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng thị trường chưa ổn định. Đa số nông sản vẫn được tiêu thụ thông qua thương lái. Hơn nữa, do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất chưa cao, phần lớn nông lâm thủy sản của tỉnh được tiêu thụ và xuất bán ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng, quảng bá. Chính vì vậy, tại hội nghị, đại diện các DN, HTX và ngành nông nghiệp Điện Biên đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch của tỉnh về Thủ đô. 

Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp  Hà Nội cho biết, việc khớp nối giữa DN hai tỉnh, TP nhằm mục đích cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo dòng chảy thuận lợi cho sản phẩm nông sản an toàn về Thủ đô. Dự kiến, trong tháng 9 tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn của các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, đại diện hai Sở NN&PTNT, các DN, HTX, cơ sở sản xuất của Điện Biên và Hà Nội đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối đưa nông sản thực phẩm an toàn về tiêu thụ tại Thủ đô. Cùng ngày, đoàn đã tới thăm vùng sản xuất cà phê tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần