Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn huyện Hoài Đức

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức ngày 24/3, nhiều nông hộ, chủ trang trại, đại diện hợp tác xã (HTX) đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN). Qua đó, nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, liên kết chuỗi giá trị đã được gợi mở.

Xã Cát Quế có hơn 100ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cây bưởi Quế Dương. Sản phẩm bưởi Quế Dương đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng bưởi ngày càng được nâng cao, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Năm 2020, bưởi Quế Dương được TP công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo Giám đốc HTX Bưởi an toàn Quế Dương Nguyễn Như Hảo, hiện tại, sản phẩm bưởi Quế Dương đã vào được kênh Vinmart+. Niên vụ bưởi 2020, trong khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường bị rớt giá, tiêu thụ chậm thì bưởi Quế Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi hơn 20 vạn quả bưởi, giá bán trung bình 40.000 – 60.000 đồng/quả.

“Mong muốn của các hộ trồng bưởi ở Cát Quế là được liên kết với các DN đưa sản phẩm bưởi an toàn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị, cửa hàng rau quả sạch” - ông Hảo bày tỏ.

 Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hoài Đức được trưng bày tại diễn đàn

Nhờ được tập huấn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ổi Di Trạch ngày một nâng cao nhưng đến nay việc tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và người dân tự bán lẻ trong vùng.

Bà Nguyễn Thị Hà, nông dân trồng ổi ở xã Di Trạch chia sẻ, những năm gần đây, trái ổi Di Trạch có chất lượng tốt nên một số cửa hàng nông sản sạch, siêu thị đã đến thăm vùng trồng và ngỏ ý đưa ổi vào kênh phân phối. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên hành trình vào siêu thị của ổi Di Trạch đang gặp khó khăn. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm ổi Di Trạch của địa phương sẽ sớm các cơ quan chức năng hỗ trợ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, dán tem nhãn để mở đường thuận lợi vào các kênh phân phối lớn.

 Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hoài Đức được trưng bày tại diễn đàn

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, đến nay, toàn huyện có 2.000ha rau, hơn 1.000ha cây trồng giá trị cao (Bưởi, nhãn chín muộn, cam, ổi, táo), 200ha phật thủ và 5ha hoa lan. Huyện có 5 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, Cam đường Canh, bưởi ngọt Đông La và rau an toàn Tiền Lệ. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp với các chủ cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã và bắt tay với DN.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, trước tiên để công tác tiêu thụ được thuận lợi, các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành hợp tác xã, qua đó lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. “Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm, khâu tiêu thụ nông sản chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các nhóm hộ, hợp tác xã cũng cần tính tới việc thành lập các nhóm như Zalo, Facebook… để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản” – ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Còn theo Phó Giám đốc Công ty CP suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa, nông sản muốn vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Do đó, các hộ sản xuất và hợp tác xã cần xây dựng quy trình sản xuất nông sản khép kín và hướng tới tiêu chuẩn nhất định, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt là sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận định rõ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết tiêu thụ nông sản, năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn TP tổ chức nhiều Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Thông qua diễn đàn, nông dân, các chủ trang trại nắm rõ xu hướng, nhu cầu thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có thương hiệu. Đồng thời kết nối với các DN bán lẻ nông sản, thực phẩm, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội thông qua việc ký kết biên bản hợp tác cụ thể” – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay.