Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối tiêu thụ sản phẩm: Cần “nhạc trưởng” tái phân công cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên kết vùng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) cần có “nhạc trưởng” để tái phân công và đề xuất những giải pháp đột phá.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Ngày 26/10, Tạp chí Kinh doanh (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Vai trò các bên tham gia trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế

Trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động, vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX lại càng trở nên cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19 càng cho thấy, liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm...

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh. Ảnh: Khắc Kiên

Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.

Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay. Trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).

Trách nhiệm của "nhạc trưởng"

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhau chia sẻ những đánh giá, nhận định về thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Ông Dương Thái Trung (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) cho biết, hiện cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản. Đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội.

Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mang tính cào bằng bình quân.

Người lao động hoàn thiện sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Khắc Kiên
Người lao động hoàn thiện sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Khắc Kiên

Do đó, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, liên kết vùng đối với doanh nghiệp và HTX cũng cần có “nhạc trưởng” để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả đột phá về thể chế, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó, có kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh, trách nhiệm của “nhạc trưởng” trong liên kết vùng là cần làm sao gia tăng được sợi dây liên kết để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và HTX. Nhất là phải kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng” - ông Nguyễn Văn Thịnh đặt vấn đề. Đồng thời cho rằng, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.

Ngoài ra, cần thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền.

Cũng ở góc độ cơ quan quản lý, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, yêu cầu và thách thức từ những xu hướng này đối với khu vực kinh tế tập thể lại càng lớn và đặc thù hơn.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, việc tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của đất nước, địa phương và ngành. Thường xuyên trao đổi, kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tìm kiếm những hướng đi mới, thông lệ tốt, giải pháp hay để tăng năng lực ứng phó với biến động phức tạp, khó lường của thị trường thế giới và trong nước.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản. Ảnh: Khắc Kiên
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản. Ảnh: Khắc Kiên

Bàn về vấn đề, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để phát triển cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững). Nên hoạt động theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn… 

Từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; Tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành chuỗi giá trị; Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững; Cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh, có tính ràng buộc để các địa phương trong vùng phải thực hiện khi tham gia liên kết.

“Có thể cần thiết xây dựng, ban hành luật về liên kết vùng với các thiết chế cụ thể về nội dung liên kết, hình thức liên kết, cơ cấu tổ chức điều phối hoạt động, quyền và nghĩa vụ địa phương khi liên kết, trình tự thủ tục khi liên kết…” - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường chỉ ra.

 

Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Liên minh HTX Việt Nam tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành để từ đó đưa ra những giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19.