Kết nối với di sản bằng nghệ thuật sắp đặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ thể hiện một cá tính độc lập trong sáng tạo của tác giả, triển lãm "Nhận diện và kết nối" đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn giải mã cho công chúng phần nào những băn khoăn về một loại hình nghệ thuật đương đại chưa thực sự được phổ biến tại Việt Nam: Nghệ thuật sắp đặt.

Hòa quyện hai không gian

Chính quan niệm về nghệ thuật sắp đặt đã dẫn họa sĩ Đặng Thị Khuê đến với tác phẩm. Với chị, sắp đặt luôn có khả năng diễn đạt không giới hạn, có thể động chạm đến mọi phương diện của cuộc sống và bằng nhiều phương tiện khác nhau. Sức mạnh thẩm mỹ của sắp đặt không chỉ thể hiện ở bản thân vật thể, mà còn đánh thức không khí của một bối cảnh cụ thể. Người xem có thể nhìn, nghe, sờ vào hiện vật, di chuyển trong không gian tác phẩm và nhận thức của họ cũng hình thành qua quá trình ấy.
Kết nối với di sản bằng nghệ thuật sắp đặt - Ảnh 1
Tác phẩm “Cõi nhân gian” của Đặng Thị Khuê trong triển lãm. Ảnh: Phú Gia
Bởi vậy mà các tác phẩm sắp đặt của Đặng Thị Khuê đều hướng đến sự hòa quyện không gian thẩm mỹ với không gian xã hội. Những bàn tay được gắn kết với nhạc khí trên trống, phách, đàn; những cây cột - cột Klao, cột Kut; những dải lụa ngũ sắc, chiếc thang tre quen thuộc, những hoa văn thổ cẩm; những họa tiết nhỏ trên trống đồng, những chạm khắc trong kiến trúc cổ người Việt... được chị chế tác công phu và sưu tầm tỉ mỉ đã trở thành chất liệu cho tác phẩm. Và dưới bàn tay sắp đặt của nghệ sĩ, những đồ vật, hiện vật được tổ chức thành những không gian nhiều ngụ ý, gợi nên những suy ngẫm về giá trị, sự tồn tại của di sản trong đời sống. Thông điệp của quá khứ hiện diện trên từng đường kim mũi chỉ của người H'mông, từng nét khắc của người Việt Nam, từng âm hưởng của tiếng đàn, tiếng hát ca trù…

Công chúng - người đồng sáng tạo

Nghệ thuật sắp đặt vào Việt Nam cùng với trình diễn, video art từ những năm 1990. Ban đầu, không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà cả những nghệ sĩ có tên tuổi cũng không coi đó là nghệ thuật. Nhưng rồi dần dần, sắp đặt chiếm một vị trí trong hoạt động nghệ thuật, có vẻ như đang là một xu hướng của giới làm hội họa trẻ tuổi. Là người tiên phong đến với sắp đặt, khi dấn thân với loại hình nghệ thuật này, Đặng Thị Khuê hiểu những gian nan của một người mở đường: Một loại hình nghệ thuật tốn kém, không sinh lợi, tìm được công chúng đã khó, để công chúng hiểu được tác phẩm lại là điều khó hơn.

Đặng Thị Khuê chia sẻ: "Muốn tác phẩm như một chất dẫn xuất giữa nghệ sĩ và người thưởng ngoạn, ta phải trao cho họ chìa khóa để giải mã các thông điệp nghệ thuật, nhất là với một ngôn ngữ mới và cách tiếp cận hoàn toàn khác trước". Và trong triển lãm cá nhân lần thứ 6 của mình, chìa khóa mà chị trao cho công chúng đã phần nào rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống. Ở đây công chúng được đặt ở vị trí đồng sáng tạo, cùng tham gia vào diễn biến của tác phẩm. Họ có thể tìm vào, bước ra trong không gian để ngỏ của tác phẩm, được huy động mọi giác quan trong việc cảm thụ tác phẩm, có thể hoài niệm về quá khứ và cùng suy ngẫm cho những vấn đề hiện tại… "Đi xem triển lãm và trở về nhà với những bàn tay lấm mực. Những hình ảnh, hoa văn xưa cũ, từ các chiều không gian, thời gian đan quyện vào nhau và trở nên thân mật khi tôi tự tay làm nên các bản rập từ chúng. Tôi sẽ quay lại nữa…" - Mai Phương - sinh viên ĐH Văn hóa bộc bạch.

Trước những sắp đặt này có cảm giác như nghệ thuật không còn quá xa lạ và ranh giới giữa truyền thống và hiện đại dường như được xóa nhòa. Chứng kiến khán phòng của Bảo tàng Mỹ thuật đông người đến thưởng lãm thấy vui vì công chúng đã tìm đường đến với nghệ thuật mới. Lật giở cuốn số ghi cảm tưởng thấy mừng vì công chúng đã ít nhiều giải mã được những thông điệp mà nghệ sĩ trao gửi. Nói như bà Bùi Thị Thanh Mai - Giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam: "Sự huy động cùng lúc nhiều giác quan trong cảm thụ nghệ thuật là đặc trưng của nghệ thuật đương đại đã được phát huy trong triển lãm, thu hút người xem tham gia vào hành trình tìm về di sản cùng nghệ sĩ. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống nhờ vậy được lan tỏa trong cộng đồng và phát huy vai trò của nó trong cuộc sống đương đại".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần