Đó là khẳng định của doanh nghiệp du lịch tại hội nghị Kết nối điểm du lịch Dương Xá với các đơn vị lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 28/2.
Theo UBND huyện Gia Lâm, trên địa bàn xã Dương Xá có Cụm di tích Đền – Chùa Bà Tấm do Hoàng Thái hậu Ỷ Lan xây dựng vào năm 1115. Lễ hội Đền - Chùa Bà Tấm, xã Dương Xá là lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, được tổ chức từ ngày 19 - 21/2 âm lịch hằng năm. Năm nay, Lễ hội Đền - Chùa Bà Tấm và Tuần lễ du lịch Dương Xá diễn ra từ ngày 5 - 12/3/2023. Ngoài ra, trên địa bàn xã Dương Xá có 17 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp thành phố và làng nghề chế biến nông sản (hành tỏi), 18 sản phẩm OCOP... Đến với Dương Xá, du khách có cơ hội tham quan mô hình phát triển nông nghiệp thông minh trên cánh đồng cam 20ha.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 3 điểm đến được công nhận là Điểm du lịch cấp thành phố. Cụ thể gồm điểm du lịch Dương Xá, du lịch Bát Tràng và du lịch Phù Đổng. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành khai thác xây dựng tour thu hút du khách đến Hà Nội.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, dù huyện Gia Lâm và xã Dương Xá có nhiều tiềm năng xây dựng tour du lịch, nhưng để thu hút du khách trong nước, quốc tế đòi hỏi huyện phải nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất.
Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, huyện Gia Lâm vẫn thiếu sự đầu tư tương xứng cho hoạt động du lịch như có một khu mua sắm hoặc khách sạn đẳng cấp, sản phẩm du lịch đa dạng theo hướng có nhiều hoạt động cho du khách trong nước, quốc tế trải nghiệm. Thời gian tới UBND huyện Gia Lâm nên đẩy mạnh khai thác các điểm di tích lịch sử văn hóa thông qua hoạt động du lịch giáo dục.
"Xã Dương Xá, với di tích Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã đầy đủ giá trị văn hóa lịch sử, vì vậy địa phương nên phát triển tour giáo dục di sản, đưa học sinh đến tham quan, học tập. Sản phẩm này có thể triển khai trong thời gian tới, qua đó giúp lan tỏa giá trị văn hóa của địa phương và điểm đến tới du khách. Tiếp đó, triển khai mô hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên sẽ phù hợp với cảnh quan, đời sống người dân khu vực này"-ông Thái hiến kế.
Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, du lịch Gia Lâm với lợi thế gần Trung tâm Thủ đô nên dễ thu hút khách, nhưng bất lợi là khi quảng bá, xúc tiến phải cạnh tranh với quá nhiều điểm đến, di tích khác tại Hà Nội. Do đó, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành xác định khách hàng để thiết kế tour cho phù hợp.
Để thu hút du khách trước mắt huyện Gia Lâm và xã Dương Xá nên xác định và hướng tới tour đạp xe là sản phẩm phù hợp với thị hiếu du khách hiện nay. "Xe đạp sẽ là phương tiện để du khách trải nghiệm chiều sâu văn hóa của Dương Xá và huyện Gia Lâm. Chương trình du lịch 1 ngày là hoàn toàn khả thi nếu kết hợp tìm hiểu di tích văn hóa với thăm quan các làng nghề, thay vì chủ yếu tập trung vào làng cổ Bát Tràng trước đây.
“Du khách có thể tới Ocean Park và tham quan các danh lam thắng cảnh, đền Hoàng thái hậu Ỷ Lan... bởi khu vực này đã có hạ tầng hiện đại, trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống mua sắm...đồng thời du khách còn được đạp xe trải nghiệm không gian trong lành hơn vùng trung tâm thành phố”-ông Nghĩa hiến kế.