"Kết quả đạt được về CPTPP bên lề APEC tại Việt Nam là rất quan trọng"

Lan Hương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời Kinh tế & Đô thị, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho rằng, Việt Nam có vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán và thúc đẩy thương mại tự do.

Sẽ có chuyến thăm cấp cao chính thức vào tháng 3
Trong năm 2018, Việt Nam và Australia sẽ kỷ niệm dấu mốc 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vậy Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ giữa hai nước trong chặng đường đã qua?
Trong 45 năm qua, Australia và Việt Nam đã xây dựng một mối quan hệ vững mạnh đem lại lợi ích cho người dân cả 2 nước. Quan hệ của 2 nước đã lớn mạnh đáng kể trong những năm vừa qua, chúng ta đã làm sâu sắc mối quan hệ này trong những lĩnh vực quen thuộc như quốc phòng và giáo dục, đồng thời cũng mở rộng hợp tác sang lĩnh vực sáng tạo. Hợp tác giữa Việt Nam và Australia đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như như an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục, luật pháp, tài chính và thông tin. Chính sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo 2 nước đã góp phần cho quan hệ giữa 2 nước thêm vững chắc. Năm ngoái, Thủ tướng Australia Malcolm Tunrbull đã thăm Việt Nam và tháng 3 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm Australia.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Turnbull. Nguồn: VPG. 
Hai nước đang có một tương lai tươi sáng. Năm nay, chúng ta sẽ bước vào một chương mới trong quan hệ song phương với việc nhất trí về quan hệ Đối tác chiến lược. Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ đặt nền tảng cho cả 2 nước hợp tác cùng nhau để đảm bảo hòa bình, thịnh vượng cho người dân 2 nước và cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực quan trọng giữa Việt Nam và Australia. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã có chuyến thăm và tàu chiến HMAS Ballarat thuộc Hải quân Hoàng gia Australia cũng đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Xin Đại sứ cho biết hợp tác quốc phòng sẽ được phát triển như thế nào trong tương lai?
Năm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng. Đây là một phần quan trọng trong quan hệ an ninh giữa Việt Nam và Australia với các lĩnh vực then chốt như an ninh hàng hải, đào tạo và huấn luyện, chống khủng bố, an toàn bay, do thám, gìn giữ hòa bình... Trong năm nay, đào tạo tiếng Anh sẽ được tiếp tục, tăng cường cả về số lượng và địa điểm diễn ra các khóa huấn luyện.
Australia cũng sẽ hỗ trợ việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm nay. Ngoài việc dạy tiếng Anh, đào tạo chuyên gia và thiết bị, máy bay C17 sẽ chuyên chở một đội y tế từ Quân đội nhân dân Việt Nam đến Nam Sudan.
Chúng tôi cũng hy vọng, tàu Hải quân Hoàng gia Australia sẽ có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau.
Kết quả đàm phán CPTPP bên lề APEC 2017 rất quan trọng
Lĩnh vực nào của Việt Nam đang là thế mạnh thu hút đầu tư từ Australia, thưa Đại sứ?
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trở thành một những đối tác thương mại tăng trưởng nhanh nhất của Australia trong khu vực ASEAN với thương mại hai chiều đã tăng trung bình 12%/năm. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp.
Tổng kim ngạch thương mại đã tăng lên nhờ nhiều yếu tố, trong đó có các cải cách được đưa ra bởi Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Australia và New Zealand, đã giúp cho việc kinh doanh giữa Australia và Việt Nam được dễ dàng hơn.

 Đại sứ Craig Chittick tại Dự án giữa Viet Uc seafood corperation và CSIRO.
Nhưng quan trọng hơn, các thay đổi từ nền kinh tế Việt Nam đã có tác dụng. Trong tương lai, thương mại và đầu tư từ Australia sẽ tăng lên khi một khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực ASEAN với các công ty Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo và kinh doanh nông nghiệp.
Điều này cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam. Bằng cách áp dụng các công nghệ mới của Australia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh. Sự hợp tác giữa Tập đoàn hải sản Việt Úc (Viet Uc seafood corperation) với Tổ chức nghiên cứu Australia CSIRO là một ví dụ điển hình. Thông qua hợp tác, CSIRO đang hỗ trợ công nghệ thức ăn mới để giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị cho mặt hàng tôm.
Trong năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC và tại đây cũng đánh dấu việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi sinh. Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam tại APEC 2017 cũng như thúc đẩy tự do thương mại?
Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành một nhiệm vụ tuyệt vời trong việc xác định các ưu tiên tổng thể cho năm chủ nhà APEC: thúc đẩy tăng trưởng và công việc; tăng cường hội nhập khu vực; thúc đẩy an ninh lương thực; và phát triển nguồn nhân lực. Đây là những vấn đề quan trọng cho tất cả các nền kinh tế, không chỉ riêng những nước đang phát triển mà còn với các nền kinh tế lớn.
APEC cũng thể hiện sự quan tâm chung của chúng ta đối với tiến trình tiếp tục hội nhập kinh tế lớn hơn. Như chúng ta đều biết, trào lưu bảo hộ đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới đe doạ sẽ đảo ngược nhiều thành tựu kinh tế trong vài thập kỷ qua. Đây là lý do tại sao kết quả các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại rất quan trọng. Đây là một thoả thuận chất lượng cao mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn tất các cuộc đàm phán và chứng tỏ vai trò của mình trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Phải lòng" Hà Nội, ngưỡng mộ ẩm thực Huế và nét hiện đại của TP Hồ Chí Minh
Sau một năm sống và làm việc ở Việt Nam, Ngài có thể chia sẻ cảm nhận về con người và văn hóa Việt Nam?
Trước khi đến Hà Nội, tôi cảm thấy rất tự tin là mình đã hiểu về đất nước và con người Việt Nam bởi tôi đã thường xuyên thăm Việt Nam với tư cách là khách du lịch cũng như nhà ngoại giao trong nhiều năm. Nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng, Việt Nam phong phú và năng động hơn, một Việt Nam không chỉ đầy khát vọng mà còn rất tiềm năng.
Tôi đặc biệt ấn tượng với tinh thần kinh doanh của phụ nữ Việt Nam. Thành lập một doanh nghiệp cần sự can đảm, đặc biệt là khi bạn đi ngược lại vai trò truyền thống.
Một ví dụ điển hình của sự sáng tạo và sự thông minh trong kinh doanh là Nguyễn Thị Hương Liên của tour du lịch "I Love Hue”. Liên đã sự thành công trong việc mở các tour du lịch giới thiệu thành phố Huế duyên dáng bằng xe máy do phụ nữ cầm lái.
Bắt đầu với chỉ một số ít "xế nữ" (lady bikers), ở tuổi 22, Liên đã có chi nhánh tại 4 thành phố. Tour du lịch cũng giới thiệu các tổ chức cộng đồng như trường dạy nghề cho người khiếm thính tại Huế, để du khách có thể ủng hộ các sáng kiến địa phương. Liên là một nguồn cảm hứng, và là ví dụ điển hình của những phụ nữ tự do phát triển năng động mà chúng ta gặp ở Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick tại cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. 
Mặc dù tôi đã “phải lòng” Hà Nội từ 20 năm trước khi còn là một du khách, nhưng trong một năm qua, tôi đã đặt chân đến nhiều nơi của Việt Nam và học được nhiều điều về đất nước tuyệt vời này.
Tôi đã đi qua 26 tỉnh, phía Bắc, tôi đã đến Hà Giang, phía Nam, tôi đã đến Cà Mau. Hy vọng đến cuối nhiệm kỳ, tôi sẽ thăm thú được hết các tỉnh, thành ở Việt Nam. Mỗi chuyến đi, tôi đều trân trọng vẻ đẹp kỳ vĩ, sự đa dạng phong phú và bề dày lịch sử. Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là sự khác biệt, từ những người dân vùng núi phía Bắc, ẩm thực cung đình Huế đến thành phố quốc tế hiện đại Hồ Chí Minh.