Từ nhập siêu sang xuất siêu
Cân đối kinh tế cơ bản giữa sản xuất GDP với tích lũy, đầu tư, tiêu dùng cuối cùng được cải thiện khi tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng sản xuất; tỷ lệ tích lũy, đầu tư và tiêu dùng/GDP giảm khá nhanh và liên tục từ 2009 đến nay. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam chuyển từ vị thế nhập siêu trong cùng kỳ năm trước (0,55 tỷ USD) sang xuất siêu trong kỳ này (1,3 tỷ USD). Thặng dư trong cán cân thương mại, cộng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam đạt khá từ các nguồn (đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, viện trợ phát triển - ODA, đầu tư gián tiếp nước ngoài - FII thực hiện, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam…) đã góp phần làm cho cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng, đạt kỷ lục từ trước tới nay (35 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giá… Do tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của thu ngân sách cao hơn so với của chi ngân sách, nên bội chi thấp hơn dự toán.
Các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm phát đi những tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Ảnh: Thanh Hải
|
Lạm phát được kiềm chế, khi CPI sau 6 tháng mới tăng 1,38%, thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002, là tín hiệu khả quan để cả năm đạt thấp hơn kế hoạch (7%), có thể chỉ tăng dưới 6% - thấp nhất từ năm 2004 đến nay.
Tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay đạt cao hơn cùng kỳ năm trước (5,18% so với 4,9%), nằm trong xu hướng "thoát đáy" (2012), tiếp tục "vượt dốc đi lên" (2013, 2014). Xu hướng cao lên này diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, trong đó, nhóm ngành dịch vụ vừa cao hơn cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng chung - vừa phù hợp với chủ trương mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng của Việt Nam. Tăng trưởng cao hơn như trên càng có ý nghĩa khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm và lạm phát được kiềm chế thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Không thể chủ quan
Tuy đạt được kết quả kép, nhưng không thể chủ quan, thỏa mãn bởi nhiều lý do. Việc ổn định cân đối kinh tế vĩ mô còn ở mức thấp, chưa vững chắc, không hoàn toàn do sản xuất (cung) tăng cao, hay hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, sức cạnh tranh cao và tăng lên, mà có một phần quan trọng do tích lũy, đầu tư, tiêu dùng cuối cùng (cầu) co lại. Do phải tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cùng với hiệu ứng phụ của những giải pháp thực hiện các mục tiêu ưu tiên này, nên tăng trưởng kinh tế vừa còn ở dưới tiềm năng, vừa còn thấp so với yêu cầu. Các điểm nghẽn của nền kinh tế (nợ xấu cao, tiêu thụ thấp, tồn kho lớn, bất động sản còn "bất động", tín dụng tăng thấp…) chậm được cải thiện; việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại, 3 đột phá chiến lược chưa được nhiều; nay lại thêm diễn biến mới phải tập trung cao hơn cho việc kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, ưu tiên dành nguồn lực triển khai chiến lược biển...