Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả khảo sát mới nhất về ý tưởng “thâu tóm” Greenland của ông Trump

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cuộc khảo sát do USA Today thực hiện và công bố kết quả hôm 15/1, chỉ có 11% người tham gia cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới nên làm mọi thứ có thể để mua lại đảo Greenland.

Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch từ năm 1979 và đang từng bước giành thêm quyền tự chủ. Ảnh: Highnorthnews.com
Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch từ năm 1979 và đang từng bước giành thêm quyền tự chủ. Ảnh: Highnorthnews.com

Trong thời gian qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định "mua lại" Greenland từ Đan Mạch vì mục đích an ninh quốc gia, nhưng đề xuất này này dường như không nhận được sự ủng hộ từ công chúng Mỹ, theo một cuộc khảo sát mới của tờ USA Today.

Đảo Greenland là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ông Trump từng đề xuất mua lại Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2019, nhưng chính quyền Greenland và Đan Mạch cho rằng ý tưởng này là vô lý.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục nhắc lại kế hoạch này, thậm chí ông Trump cảnh báo tại cuộc họp báo hôm 7/1 rằng có thể dùng vũ lực nếu cần thiết để kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới này.

Theo cuộc khảo sát do USA Today thực hiện và công bố kết quả hôm 15/1, chỉ có 11% người tham gia cho rằng chính quyền Trump sắp tới nên làm mọi thứ có thể để mua lại đảo Greenland. Trong khi đó, 29% cho rằng đó là một ý tưởng tốt nhưng không thực tế, và 53% không ủng hộ việc mua lại Greenland.

Cuộc khảo sát có 1.000 người tham gia và được thực hiện từ ngày 7-11/1.

Theo kết quả cuộc khảo sát, 86% số người ủng hộ Đảng Dân chủ được hỏi đã phản đối kế hoạch của ông Trump về Greenland, chỉ có 23% số người ủng hộ đảng Cộng hòa tán thành ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ. Khoảng 21% số người còn lại cho rằng đó không phải là một ý tưởng tốt, trong khi 48% nghĩ rằng đề xuất đó tốt nhưng không thực tế.

Trước đó, kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu Patriot Polling của Mỹ thực hiện và công bố ngày 13/1 cho thấy, khoảng 57,3% người dân Greenland được hỏi đồng tình với đề xuất của Tổng thống đắc cử  Trump, trong khi 37,4% phản đối và 5,3% còn lại chưa quyết định.

Giới chức Greenland cũng thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của Mỹ mua lại Greenland. Thủ tướng Greenland Mute Egede khẳng định: “Greenland thuộc về người dân Greenland. Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch, cũng không muốn trở thành người Mỹ”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Greenland mong muốn độc lập và cam kết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này trong tương lai gần.

Tuy vậy, ông Egede không đóng cửa đối thoại với Mỹ, bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác: “Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Trump và muốn duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ”.

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 15/1.

"Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Đan Mạch đã nhắc đến tuyên bố của lãnh đạo Greenland, Mute B. Egede, rằng Greenland không phải để bán" - văn phòng Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/1.

Theo thông báo của văn phòng Thủ tướng Đan Mạch, bà Frederiksen nhấn mạnh rằng chính Greenland phải tự đưa ra quyết định về việc độc lập".

Thủ tướng Frederiksen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh ở Bắc Cực, đồng thời khẳng định Đan Mạch sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn.

Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch từ năm 1979 và đang từng bước giành thêm quyền tự chủ. Năm 2009, Luật Tự trị được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2008, mang lại cho hòn đảo quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ, trong khi Đan Mạch vẫn giữ quyền quản lý về ngoại giao và quốc phòng.

Greenland, với diện tích 2,2 triệu km2 trong đó 80% lãnh thổ bị băng bao phủ và dân số dưới 57.000 người, là một điểm chiến lược quan trọng trong khu vực Bắc Cực. Hòn đảo này giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm vàng, bạc, đồng và uranium, đồng thời được cho là có trữ lượng dầu mỏ lớn dưới vùng biển thuộc lãnh hải.

Greenland cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt khi các tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực ngày càng trở nên khả thi nhờ hiện tượng băng tan./.