Tín dụng tăng thấp, nợ xấu bào mòn
Cụ thể, ABBank công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 lợi nhuận trước thuế giảm mạnh gần 94% so với cùng kỳ năm trước chỉ còn 67 tỷ đồng trong khi con số quý II/2022 là hơn 1.000 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ABBank đạt gần 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, mới thực hiện được 24% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.826 tỷ đồng).
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh lợi nhuận trong kỳ là các nguồn thu chính ghi nhận sụt giảm cộng với việc tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp 4 lần so với cùng kỳ (từ 174 tỷ đồng lên gần 698 tỷ đồng).
Đại diện ABBank cho biết, việc nợ xấu tăng dẫn tới ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, ABBank cũng đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước (216 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của BacABank, lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng này đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacABank cũng thuộc nhóm dẫn đầu, đạt 158% tại ngày 30/6/2023. Trước đó, tỷ lệ này đạt tới 204% vào cuối năm 2022.
LPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận quý II/2023 chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 32%.
TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.383 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh cốt lõi – thu nhập lãi thuần giảm 6,8% xuống 5.466 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết nguyên nhân nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.
Bức tranh chung của ngành ngân hàng là khá ảm đạm. Điều này là rất khác biệt so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2022 khi một loạt các nhà băng báo lãi lớn, gây ấn tượng với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh từ 40 - 80%.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng này phần nào phản ánh bức tranh lợi nhuận kém tích cực của ngành Ngân hàng trong quý II/2023 cũng như hiện tại do một số hệ lụy từ những diễn biến bất lợi gần đây trên thị trường bất động sản và nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh rất thấp do cầu tiêu dùng yếu.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên. Hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Nguy cơ nợ xấu gia tăng đã được nhiều ngân hàng lường trước từ đầu năm nay. Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm
Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong 6 tháng đạt 4,73%, bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại, tín dụng vẫn chiếm 70 - 80% thu nhập của các ngân hàng, lợi nhuận tăng trưởng chậm lại cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, nhiều ngân hàng cũng đang trích lập dự phòng khá mạnh.
Dù vậy, trong hai quý còn lại của năm, với kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ hạ thêm 1 - 2%, NHNN mở room tín dụng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm nay. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo hầu hết sẽ đạt những chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Thực tế, ở nhóm ngân hàng quốc doanh, tuy chưa công bố chính thức báo cáo tài chính nhưng các lãnh đạo đã hé lộ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, huy động vốn và tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6% so với cùng kỳ; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát.
Một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương gồm BIDV, Vietinbank, HDBank, Sacombank. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Sacombank tăng mạnh 63,5% so với cùng kỳ, đạt 4.755 tỷ đồng, thực hiện được 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng thu nhập thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước.
Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý II của Vietinbank đạt khoảng 6.200 – 6.500 tỷ đồng tăng khoảng 7-13% so với cùng kỳ. HDB dự kiến lợi nhuận đạt khoảng 2.800-3.100 tỷ đồng tăng 1-12%, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt trên 10% so với đầu năm.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm ngoái. Trong đó, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
Trong đó, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục. Ngược lại, ngân hàng có bộ đệm mạnh, những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, sẽ là những ngân hàng có động lực tăng trưởng mạnh. Nhóm này được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bình quân ngành, ở mức 18 - 20%.