Đối với TP Hải Phòng hiện có 384 tàu du lịch đang hoạt động bình thường và sẽ về nơi neo đậu, tránh trú khi có yêu cầu. Trên biển hiện có 6.005 chiếc tàu cá các loại. Trong đó, 221/231 tàu xa bờ đã về nơi neo đậu, tránh trú; còn lại 10 tàu sẽ về nơi neo đậu. 5.774 chiếc tàu gần bờ hoạt động ven bờ theo phương thức “sáng đi, chiều về”; một số tàu đã neo đậu tại các bến cá, vụng kín gió; một số tàu đang hoạt động sẽ về neo đậu tại các khu tránh trú, vụng kín gió trên địa bàn tỉnh và khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng).
UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện Công điện số 53 ngày 15/7/2023 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP về chủ động ứng phó với bão số 1.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Chủ động điều tiết nước phòng chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình phòng chống thiên tai, các công trình đê điều, cống dưới đê đang thi công, các khu nhà cũ, yếu; sẵn sàng thực hiện xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Căn cứ tình hình, diễn biến của bão chủ động rà soát, thực hiện sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng.
Chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình cao tầng, công trình ven biển, ven núi; các khu vực khai thác khoáng sản; các khu vực có nguy cơ sạt lở; các khu vực tập kết hàng hóa và khu vực tập kết container; hệ thống truyền tải điện.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng chống bão tại các Khu, Cụm công nghiệp quản lý.
UBND quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải tổ chức rà soát, thống kê, chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch biển, đảo; sẵn sàng phương án xử lý sạt lở các tuyến đường ven biển, ven núi có nguy cơ sạt lở.
Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ. Căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu thường xuyên thông tin về diễn biến cơn bão cho đông đảo nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh bão và các hình thái thiên tai do ảnh hưởng của bão.
Chi cục Thủy sản rà soát lại số lượng tàu thuyền đang đi biển trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là tàu xa bờ), giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện để thông tin về hướng di chuyển của bão để chủ động đi ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dời người lao động trên các lồng bè.
Rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để triển khai phương án phòng chống, đảm bảo an toàn. Theo dõi mực nước các hồ chứa, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa kéo dài.
Đến thời điểm hiện tại các địa phương và lực lượng vũ trang của tỉnh đã chuẩn bị lực lượng gồm: 1.228 cán bộ chiến sỹ và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, 27 ô tô các loại, 12 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu III, Bộ Quốc phòng với 1.435 cán bộ chiến sỹ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Toàn tỉnh có 14.502 ô lồng nuôi thủy sản đã được thông tin về cơn bão để chủ động gia cố và đã bắt đầu tổ chức đưa người lên bờ (ưu tiên đưa phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước) và dự kiến hoàn thành công việc trước 16h ngày 17/7/2023. Tùy theo diễn biến của bão, sẽ ban hành lệnh cấm biển (dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7/2023).
Về khách du lịch các tuyến đảo, còn 4.096 khách du lịch trên tuyến đảo (Huyện Cô Tô: 1.948 khách; Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng: 2.148 khách) sẽ tiếp tục di chuyển về đất liền. Đối với du khách có nhu cầu ở lại, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo.
Đối với các công trình thủy lợi, đê điều, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 214,1/313,1 triệu m3 (đạt 67,1% dung tích thiết kế), các hồ đang được vận hành bình thường. Căn cứ tình hình thực tế sẽ điều tiết để đảm bảo an toàn công trình. 5 trạm bơm tiêu tại TX Đông Triều (công suất 159.000m/giờ) sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu. Các tuyến đê của tỉnh đều không triển khai thi công.
Ngành giao thông chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng ứng trực tại các vị trí xung yếu như cầu Bãi Cháy, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn…
Cầu Bãi Cháy sẽ tổ chức tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ, xe 2 bánh qua lại khi có gió trên cấp 6.
Ngành Than đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.