Chúc mừng năm mới

Khả quan dòng kiều hối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong năm 2024, ước đạt khoảng 16 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Kiều hối tiếp tục là điểm sáng

Riêng tại TP Hồ Chí Minh kết thúc năm 2024, ước khoảng 9,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về thành phố, tăng 140 triệu USD so với năm 2023. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Theo số liệu chính thức Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, châu Á và châu Mỹ là 2 khu vực có lượng kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 82,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024. So với năm 2023, lượng kiều hối chuyển về của khu vực châu Á tăng 2,5%; châu Mỹ tăng 7,4%; châu Đại Dương tăng 8,7%.

Việt Nam duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ
Việt Nam duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ

Tính chung năm 2024, kiều hối chảy về của cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lao động ổn định và phát triển tại khu vực châu Á đã giúp nguồn kiều hối tăng trưởng. Một yếu tố quan trọng là thu nhập và việc làm của kiều bào và người Việt đang học tập, làm việc ở nước ngoài cũng khả quan hơn. Trong đó, không thể không nhắc đến hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và công ty kiều hối ngày càng thuận tiện, ngày càng tốt hơn đã tác động trực tiếp đến lượng kiều hối chuyển về nước.

Tại Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), ông Trịnh Hoài Nam - Giám đốc VCBR cho biết, doanh số kiều hối năm 2024 của công ty đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với năm trước. Trong năm qua, do yếu tố tỷ giá biến động nên lượng kiều hối chuyển về có sự đột biến trong quý II/2024 từ thị trường xuất khẩu lao động, còn lại nhìn chung vẫn duy trì ổn định. Bên cạnh kiều hối từ các cá nhân Việt kiều thì thời gian qua các tổ chức kinh tế do người Việt lập ở nước ngoài cũng có nhu cầu chuyển tiền về nước để đầu tư.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty kiều hối Sacombank Trần Minh Khoa cho biết, kiều hối 2024 so với năm 2023 là ổn định. Hiện nay, các ngân hàng cũng tích cực đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn cho việc gửi và nhận kiều hối, nhất là trong dịp cận kề Tết Nguyên đán - thời điểm mùa kiều hối sôi động nhất năm.

Nguồn lực “vàng” đóng góp kinh tế - xã hội

Nguồn kiều hối đã và đang đi vào các lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư, kinh doanh, giúp người dân cải thiện đời sống, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội. Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa... Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước. Tại TP Hồ Chí Minh, con số này còn đặc biệt ý nghĩa khi cao hơn, thậm chí gấp 2 lần FDI trong năm 2024 (thu hút FDI của TP Hồ Chí Minh 2024 ước đạt 4,85 tỷ USD). Do đó, đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng…

Trong năm 2024, giá USD trong nước biến động liên tục, tăng hơn 5% và có lúc lên 7%. Kiều hối cũng được xem là một trong những nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2025 WB dự báo sẽ đi ngang, lượng kiều hối luân chuyển trên toàn cầu vào khoảng 137 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 136 tỷ USD của năm 2024, và Việt Nam vẫn khả quan.

Số liệu của Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng gần 6 triệu người đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia. Do đó tiềm năng kiều hối còn rất lớn.

Năm 2025, tình hình địa chính trị của các nước trên thế giới chưa ổn định cũng như chưa rõ chính sách của Mỹ khi ông Donald Trump làm Tổng thống sẽ thay đổi ra sao; lạm phát ở các nước có hạ nhiệt hay vẫn ở mức cao là ẩn số. Vấn đề quan ngại nhất là các chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, qua năm 2025, thị trường có những thuận lợi, trong đó, Chính phủ vẫn khuyến khích và tạo điều kiện cho nguồn kiều hối và xuất khẩu lao động phát triển.

Thêm vào đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cho phép Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Việt kiều sẽ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện… thì dòng kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Thị trường bất động sản kỳ vọng nguồn kiều hối sẽ trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.

 

Việc sử dụng nguồn lực kiều hối cũng như giải pháp thu hút kiều hối chuyển về tăng trưởng bền vững là thông tin tư vấn cho người dân, người thụ hưởng sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối. Nguồn kiều hối sẽ có các lựa chọn vào tiêu dùng phục vụ sinh hoạt, đời sống; đưa vào sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ; gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư; mua trái phiếu chính quyền địa phương… Việc tập trung nguồn lực kiều hối cho phát triển các chương trình, dự án kinh tế - xã hội sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều và mang lại lợi ích thiết thực cho cả nền kinh tế và người dân. (TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu)