Khả quan với mục tiêu 50 tỷ USD xuất khẩu nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… là những giải pháp trọng tâm đang được ngành nông nghiệp triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD trong năm 2022.

Bứt phá tăng trưởng, xuất siêu 3 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đến thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, cao gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%; xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5% (nhất là phân bón, giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước).

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, trong quý I/2022, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: Cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ. Đặc biệt, mặt hàng cà phê đã bứt tốc với mức tăng trưởng trên 50%, mang về giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Cùng với đó là sự tăng tốc mạnh mẽ của mặt hàng chủ lực như: Cá tra tăng 82%, đạt 606 triệu USD; tôm tăng gần 40%, đạt 929 triệu USD; hồ tiêu cũng tăng mạnh gần 41% và đạt 252 triệu USD…

Nhiều mặt hàng khác cũng có mức tăng trưởng ở hai con số như: Cao su, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn. Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần). Tiếp đó là Trung Quốc với giá trị trên 2,1 tỷ USD (chiếm 16,6%); Nhật Bản với giá trị đạt gần 872 triệu USD (chiếm 6,8%); Hàn Quốc đứng thứ tư với giá trị đạt khoảng 562 triệu USD (chiếm 4,4%).

Lạc quan về đà tăng trưởng, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.

Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Trong khi đó, theo ghi nhận từ các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.

Đối mặt nhiều thách thức

Mặc dù từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản có được đà tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, xu hướng giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao trên thế giới; giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà ngành nông nghiệp cũng như các DN xuất khẩu nông sản phải đối mặt trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, một vấn đề đáng lưu ý là việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang gặp khó do phía bạn thực hiện chính sách “Zero Covid” và áp dụng các quy định kiểm soát nông sản mới. Thực tế vẫn có các lô hàng của DN Việt Nam bị cảnh báo liên quan tới Covid-19. Vì vậy, các DN cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.

Mặt khác, các DN cần tăng cường đầu tư chế biến sâu và chủ động nguồn nguyên liệu để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc. Đối với vấn đề kỹ thuật giám sát chất lượng nông sản, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đơn vị, DN thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp được 256 thông báo dự thảo về quy định về SPS (quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật) của các nước thành viên thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời gửi cho các cơ quan liên quan xem xét góp ý, đã xử lý 12 cảnh báo của EU về sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Đa dạng hóa thị trường

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2022 là 50 tỷ USD, ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trước mắt, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc trong quý II/2022. Cùng với đó là chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc; xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Bộ đã lên kế hoạch đàm phán xuất khẩu các mặt hàng ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi, chanh ta sang New Zealand; bưởi sang Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU…

Đưa ra giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp túc hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này.

Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ DN vừa khai thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.

 

"Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan quản lý, hiệp hội, DN và nông dân Việt Nam là khẩn trương thực hiện những giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Theo đó, Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tập trung kiểm tra, giám sát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu và quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng."- Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần