Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng cao
Thông tin từ Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,59 tỷ USD, tăng 13,15% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, đạt 4,64 tỷ USD.
Đánh giá về nguyên nhân cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, ngay từ thời điểm đầu năm, cơ hội lớn nhất cho DN xuất khẩu là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, mở rộng hơn cánh cửa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia thành viên.
Hơn nữa, RCEP có sự tham gia tích cực của Trung Quốc, nên giúp DN Việt Nam thêm nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, từ đó sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn tại châu Âu, châu Mỹ… có thể tăng thêm lợi nhuận và thị phần.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát là những yếu tố thúc đẩy thương mại.
Minh chứng rõ nét nhất phải kể đến xuất khẩu gạo. Nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được nhận diện thương hiệu và tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới cao cấp như Mỹ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng. Trong khi đó, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu đang tăng mạnh sẽ giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2022 với sản lượng 6,3 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.
Hay đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng đạt kết quả khả quan khi giá sản phẩm đều tăng. Đơn cử như xuất khẩu viên nén, dăm gỗ, nắm được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt, nhờ vậy, giá viên nén, dăm gỗ đã tăng từ 150 - 200%.
Nhiều giải pháp duy trì xuất siêu
Thời điểm này, các bộ, ngành đang tập trung chỉ đạo sát sao những giải pháp đẩy mạnh, tăng tốc xuất khẩu. Chẳng hạn như ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD.
Để chinh phục mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc thực hiện giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng, giá trị cao để bù vào sản phẩm dự kiến không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Hay ngành dệt may cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ứng phó với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics, thiếu hụt container rỗng...
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay: “Các DN đã chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động”.
Để đạt mục tiêu cán cân thương mại năm 2022 về đích với xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, đối tác lớn và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ giải pháp điều hành ứng phó kịp thời với những yếu tố bất lợi.
Bên cạnh đó, Bộ chú trọng công tác hỗ trợ DN vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, những tháng cuối nam 2022, Bộ sẽ tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trên môi trường trực tuyến. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Đặc biệt, làm tốt công tác thông tin dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới nhằm hỗ trợ ngành hàng, DN phản ứng kịp thời, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ các DN trong nước phát triển để giảm sự phụ thuộc vào khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong sản xuất và xuất khẩu.
Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7 - 8%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên