Đoàn giám sát do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn. Đoàn giám sát còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là thành viên đoàn giám sát.
Tiếp đoàn giám sát, về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Gặp khó trong thu hút, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, về nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân sách thành phố từ năm 2020 đến năm 2022 là hơn 3.076 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã là hơn 4.988 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai thuộc dự toán của các đơn vị thuộc ngân sách thành phố để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2020 với tổng số tiền hơn 2.897 tỷ đồng, năm 2021 với tổng số tiền hơn 2.223 tỷ đồng.
Tổng nguồn lực xã hội hóa bằng tiền và tương đương tiền huy động thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội từ 2020 đến năm 2022 là hơn 1.965 tỷ đồng; thông qua Sở Y tế là hơn 2.245 tỷ đồng.
Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã chủ động, linh hoạt bám sát tình hình dịch bệnh, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố Hà Nội, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định, như: Chính sách hỗ trợ thêm 70% cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; chế độ chi đặc thù và chính sách hỗ trợ động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố; chính sách hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch; chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông…
Việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, toàn ngành y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã (gồm 579 Trạm Y tế, 4 Nhà hộ sinh, 53 Phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở điều trị Methadone) và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%...
Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội bao gồm 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; 30 Trung tâm Y tế đa chức năng vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng của các quận, huyện, thị xã; 579 Trạm Y tế trực thuộc 30 Trung tâm Y tế vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng của các xã, phường, thị trấn. Nhân lực y tế dự phòng tuyến thành phố có 458 cán bộ; tuyến huyện, xã có 8.544 cán bộ. Đây cũng chính là lực lượng cán bộ của các Trung tâm Y tế thực hiện đa chức năng.
TP Hà Nội cho rằng, chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến vừa là những điểm tồn tại, vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân được nhân lực tại y tế cơ sở nhất là nhân lực chuyên môn bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y. Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ; do đó nguồn nhân lực cũng chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn. Việc thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ các yếu tố chi phí dẫn đến nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.
Quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân về các tài sản tài trợ trong công tác phòng, chống dịch
Xem xét báo cáo và kiến nghị của UBND TP Hà Nội, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội bày tỏ đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của thành phố.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhận định, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội nhận ít hơn là cho đi. Điều đó thể hiện nét đẹp văn hóa của Hà Nội, nhận được sự trân trọng của các tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, thành viên Đoàn giám sát cũng đánh giá, thành phố Hà Nội luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đã huy động được cả hệ thống chính trị, toàn dân vào công tác phòng, chống dịch, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực y tế cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nhận định, việc Hà Nội xác định khu vực y tế cơ sở bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân là quan điểm đúng đắn, từ đó để thực hiện tốt công tác y tế cơ sở, cần đầu tư cho cơ sở công lập đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tư nhân cùng thực hiện công tác y tế toàn dân.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị thành phố phân tích rõ việc cho rằng Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc Sở sẽ bảo đảm công tác y tế cơ sở hơn, trong khi thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc địa phương sẽ tốt hơn, trong khi cả hai địa phương là đô thị lớn, có nhiều điểm tương đồng về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng quan tâm đến kiến nghị của thành phố Hà Nội về tháo gỡ vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân về các tài sản tài trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; cho phép các bác sĩ được thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của thành phố Hà Nội, đồng thời đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19; bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ rất nhiều cho các địa phương và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. “Đây là đóng góp hết sức thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, thành phố Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về công tác này, từ đó thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng đã bộc bộ nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu sót.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố khắc phục ngay những tồn tại, không đợi kết quả, Nghị quyết giám sát mới thực hiện. Những kết quả, bài học kinh nghiệm, kiến nghị của thành phố đã cung cấp thông tin quan trọng để Đoàn giám sát xem xét, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao các đơn vị có liên quan tổng hợp các ý kiến của các thành viên của Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo; đồng thời mong muốn Quốc hội tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn Thủ đô.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã khảo sát thực tế tại huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm về chuyên đề giám sát nêu trên.