Khắc phục tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, Ủy ban sẽ trình tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Dự thảo sửa đổi Luật Dạy nghề tại kỳ họp QH tới.

Ngày 25/8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (QH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị tham vấn các chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề nhằm hoàn thiện văn bản này trước khi trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Đừng chạy theo bằng cấp

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, Ủy ban sẽ trình tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Dự thảo sửa đổi Luật Dạy nghề tại kỳ họp QH tới. Trong đó, phần lớn các ý kiến đồng tình đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp; không quy định tỷ lệ cụ thể học sinh được phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp; quy định việc sáp nhập 3 trung tâm công lập cấp huyện là Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp thành một trung tâm duy nhất thực hiện các nhiệm vụ của cả 3 loại hình trên. Đối với học sinh học nghề và các đối tượng theo học nghề đặc thù, nghề mũi nhọn nhưng khó tuyển sinh, Ủy ban sẽ kiến nghị có chính sách miễn, giảm học phí nhằm tránh tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu lao động để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội...

 
Học viên trong một buổi thực hành tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.	 Ảnh: Thanh Hải
Học viên trong một buổi thực hành tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Là người am tường bản chất của giáo dục nghề nghiệp, GS.TS Nguyễn Minh Đường góp ý, cần xem xét lại Điều 49 của Dự thảo Luật về quy định: "Nhà giáo đào tạo nghề nghiệp là nhà giáo dạy lý thuyết, dạy thực hành nghề hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp". Vì làm thế nào để tách năng lực nghề nghiệp thành lý thuyết và thực hành một cách riêng biệt? Mặt khác, các nghề đơn giản như trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn... không nên đòi hỏi phải có trình độ văn hoá THPT như Dự thảo Luật quy định. Bởi lẽ, các doanh nghiệp (DN) không đòi hỏi lao động có trình độ THPT hay có bằng tốt nghiệp loại giỏi mà chỉ cần trình độ kỹ năng nghề thành thạo. "Do đó, chương trình đào tạo trung cấp nghề cần có 2 hệ: Tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS sẽ lên đại học khi cần thiết và một hệ học xong, đi làm ngay" - GS Đường kiến nghị.

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

Đồng tình với những quan điểm đó, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH nêu ý kiến: Bất cập của Dự thảo Luật là vẫn duy trì tình trạng phân biệt trường cao đẳng nghề với các trường cao đẳng khác, thể hiện tâm lý "của anh, của tôi". "Theo kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức và một số nước phát triển là các cơ sở đào tạo kỹ sư thực hành và công nhân thường có sự liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN) theo tỷ lệ: DN bỏ ra 70%, Nhà nước 30% tổng chi phí đào tạo; học sinh có 70% thời gian học tại DN, 30% tại trường. Và trong thời gian học tại DN, học sinh được tiếp cận toàn bộ thiết bị, công nghệ mới, quy trình làm việc bình thường. Với cách đào tạo này, nguồn nhân lực được đào tạo hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu xã hội sau khi ra trường... Chúng ta cần nhanh chóng học tập mô hình này" - GS Thuyết nhấn mạnh.

Mong muốn khắc phục những bất cập đang tồn tại trong hệ thống đào tạo nghề ở nước ta, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan góp ý, Luật sửa đổi nên chính sách khuyến khích các DN mở trường, DN cần có trách nhiệm nhận học sinh thực tập; Phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ thông qua các hợp đồng. Không nhất thiết phải đào tạo theo chương trình của nhà trường mà đào tạo theo yêu cầu chủ thể đặt hàng, và nhà trường cần có bộ phận chuyên trách về vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần