Khắc phục tình trạng tích tụ, gây lãng phí tài nguyên tần số

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 18/4, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trong đó nhấn mạnh cần quy định để tránh xảy ra tình trạng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số.

Tránh độc quyền, tích tụ băng tần

Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long trình bày cho biết, mục tiêu của dự án Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Phạm vi điều chỉnh Dự Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó, bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ Dự Luật.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, Dự Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép để tránh độc quyền, tránh tích tụ băng tần. Đối với nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số, đã bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện… Bên cạnh đó, Dự Luật còn sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan…

Liên quan đến vấn đề giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông/tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Vì vậy, Thường trực Ủy ban KHCN&MT tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Cần có quy định việc phân bổ các khối băng tần

Thảo luận về Dự Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Dự Luật tuy phạm vi sửa đổi không nhiều nhưng lại rất quan trọng vì liên quan đến tài sản quốc gia đặc biệt có ý nghĩa và ngày càng có giá trị trong bối cảnh phát triển xã hội số, kinh tế số cũng như hội nhập. Do đó cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là những quan điểm, tư tưởng, vấn đề lớn cần được đặt ra phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể, liên quan đến vấn đề giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định cần khắc phục được việc doanh nghiệp có năng lực không được phân bổ hoặc phân bổ ít trong khi anh không có năng lực lại sở hữu, thậm chí sở hữu nhiều. Vì thế, cần nguyên tắc phân bổ. Nên tính toán tỉ lệ xác định trên quy mô doanh nghiệp như năng lực, vốn đầu tư, hạ tầng cơ sở công nghệ thông thông tin và truyền thông, mức độ công nghệ đang sở hữu, rồi năng lực theo tiêu chuẩn ISO lĩnh vực này, để đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng, khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Dự Luật cần cụ thể hoá các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ cho minh bạch để tránh thêm các văn bản dưới luật.

Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tán thành với quy định của Dự Luật là tiếp tục kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đưa ra các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, gồm cấp giấy phép trực tiếp; thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự Luật là không rõ ràng, không quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần... được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện trong vòng 10 năm qua; đồng thời, nghiên cứu quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển.

Qua thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến nêu quan điểm, băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá. Giá trị thương mại của băng tần cũng cao nên đấu giá có thể tạo thêm nguồn cho ngân sách nhà nước. Đấu giá còn tạo cạnh tranh lành mạnh. Trình tự thủ tục đấu giá phải theo Luật đấu giá tài sản, các điều kiện khác theo luật chuyên ngành; nếu cần có trình tự thủ tục riêng đặc thù thì cần sửa luật.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, lượng tần số có thể mang ra kinh doanh chỉ khoảng 15% và không tăng được nữa; 85% dành cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng và an ninh. Luật quy định rõ khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số quay về quốc phòng, an ninh vô điều kiện. 15% tần số này đem kinh doanh, nếu có đấu giá thì chỉ những doanh nghiệp pháp nhân Việt Nam hoặc sở hữu của Việt Nam trên 50% mới được cấp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, việc xây dựng dự án luật phải bao quát, thể hiện tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị cao, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng; phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm hội nhập kinh tế quốc tế và nghiên cứu thêm thông lệ quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và được sử dụng có hiệu quả, bảo vệ lợi ích an ninh, chủ quyền số quốc gia. Tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật khác, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, không để lúng túng, vướng mắc và gây ách tắc, cản trở sự phát triển khi luật đi vào cuộc sống…