Khác thường nhưng không bất thường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 theo công bố của Tổng cục Thống kê giảm 0,2% so với tháng trước. Lần đầu tiên trong khoảng 10 năm qua, CPI tháng cận Tết lại tăng âm. Nguyên nhân được lý giải là do có nhiều nhóm hàng quan trọng đã giảm giá, đặc biệt là do giá xăng dầu.

Tiếp tục“đà khác thường”

CPI nếu cuối năm trước đã khác thường (giảm liền trong 2 tháng cuối năm), thì tháng khởi đầu năm nay tiếp tục khác thường. Sự khác thường của CPI trong tháng khởi đầu năm nay được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là tiếp tục “đà khác thường” của cuối năm trước. Cần nhớ rằng, sự “khác thường” này có mặt tích cực là đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người gặp rủi ro, người bị thất nghiệp, thiếu việc làm…; nhưng cũng có tác động tiêu cực đối với người sản xuất, kinh doanh khi giá bán mới thấp hơn giá bán cũ. Điều không khó nhận ra là CPI không tăng như đã từng xảy ra trong tháng 1 cùng kỳ từ 40 năm qua.
Người dân huyện Sóc Sơn mua hàng tại phiên chợ Tết được Sở Công Thương tổ chức.     Ảnh: Hoài Nam
Người dân huyện Sóc Sơn mua hàng tại phiên chợ Tết được Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Đáng lưu ý, CPI tháng 1 năm nay cũng ngược chiều với tháng 1 cùng kỳ của những năm được coi là thiểu phát hiếm hoi trong 40 năm qua (năm 1999: tháng 1 tăng 1,7% nhưng cả năm chỉ tăng 0,1%, năm 2000: tháng 1 tăng 0,4% nhưng cả năm giảm 0,6%, năm 2001: tháng 1 tăng 0,3% nhưng cả năm chỉ tăng 0,8%).

Tuy CPI giảm từ 2 tháng cuối năm trước và rơi vào những tháng khác thường, nhưng chưa thể coi Việt Nam đã rơi vào thiểu phát, bởi nếu tính theo năm (tức là tháng 1 năm nay so với tháng 1 năm trước), CPI vẫn còn tăng cao hơn mức được coi là “chuẩn” của thế giới là trên dưới 2%; bởi giá mới chỉ giảm ở một số nhóm, còn giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác vẫn tăng. Nếu coi là thiểu phát thì phải kích cầu; mà kích cầu thì đã có bài học kinh nghiệm khó quên vào năm 2009 phải mất nhiều năm khắc phục…

Tín hiệu khả quan trong ổn định kinh tế vĩ mô

Diễn biến như trên cũng là tín hiệu khả quan để CPI sẽ không vượt quá chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2015 và một lần nữa, tốc độ tăng CPI sẽ thấp hơn tốc độ tăng GDP - một trạng thái hiếm hoi trong hàng chục năm qua giữa 2 “đỉnh” quan trọng nhất trong “tứ giác” mục tiêu (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư và thất nghiệp ít).

Lạm phát thấp là thời cơ để các nhà hoạch định chính sách vĩ mô rút ra bài học trong tư duy kiềm chế lạm phát. Từ năm 2013 trở về trước thì tư duy này là đúng và đã được đề ra trong mục tiêu tổng quát; năm 2014 việc chuyển tư duy “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát” đã thực hiện chưa thật tốt. Một phần nguyên nhân là do trong mục tiêu tổng quát trước đó không đề cập cụ thể về vấn đề này.

Diễn biến CPI trong tháng khởi đầu là tín hiệu để các chủ thể trên thị trường có giải pháp phù hợp với ứng phó. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể yên tâm hơn đối với việc kiểm soát lạm phát, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung hơn và có giải pháp cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung hơn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn, tiến tới hồi phục kinh tế. Trong các giải pháp này, có thể đẩy mạnh việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, triển khai kịp thời kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công, có thể mua ngoại tệ, sớm thực hiện tăng lương tối thiểu để tăng nhu cầu…; Các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh cần tận dụng thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho; đẩy mạnh tiến độ đầu tư để đón thời cơ phục hồi; tranh thủ tập kết, mua nguyên nhiên vật liệu trong lúc giá thế giới giảm (kể cả xăng dầu, bông, sợi…). Người tiêu dùng tranh thủ thời cơ giá thấp để mua sắm, cải thiện mức sống, cải thiện điều kiện ở…; giảm găm giữ vàng, ngoại tệ để đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh.