Điểm dễ nhận thấy là tình hình nợ xấu của các ngân hàng đồng loạt tăng nhanh so với thời điểm cuối năm 2011 trong khi lợi nhuận không mấy lạc quan. Trong số các “ông lớn”, chỉ có lợi nhuận của Vietcombank, Vietinbank và Sacombank là tăng so với cùng kỳ năm ngoái, riêng ACB lỗ nặng vì vàng.
Về hoạt động cho vay khách hàng, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đạt tốt, nhưng đa phần không đạt chỉ tiêu đã đề ra đầu năm hoặc điều chỉnh hồi giữa năm (có 10 ngân hàng đã được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 25 – 30%). Đến 30/9, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 7,9%; của Vietcombank là 8,6%; của Bản Việt là 20%... Một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như Bảo Việt âm 13,7%; Techcombank âm 3,35%; ACB âm 0,5%.
Tiền gửi của khách hàng
Về hoạt động huy động vốn của ngân hàng, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn khác nhau, trong đó tiền gửi cao tập trung ở các ngân hàng lớn.
Theo báo cáo tài chính quý III và 9 tháng, LienVietPostBank hiện đang dẫn đầu hệ thống về mức tăng tiền gửi của khách hàng, khi tăng tới 38,3% trong 9 tháng qua song lượng tiền của khách hàng gửi vào nhà băng này chỉ dừng ở mức 35.000 tỷ. Vị trí tiếp theo thuộc về Sacombank với lượng tiền gửi tăng xấp xỉ 30% so với cuối năm 2011, đạt 93.373 tỷ đồng.
Tuy nhiên, BIDV mới là ngân hàng có số tiền gửi của khách hàng cao nhất, đạt 294.123 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 9, tăng 21,1% tương đương 51.282 tỷ đồng so với cuối năm 2011.
Vị trí tiếp theo thuộc về Vietinbank với 271.905 tỷ đồng của khách hàng gửi tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 6% so với cuối năm 2011.
Vietcombank đứng thứ ba với lượng tiền gửi của khách đạt 262.867 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 33.000 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB thu hút được 122.845 tỷ đồng tiền gửi của khách trong thời gian qua, song đây lại là mức thấp hơn so với thời điểm cuối năm ngoái tới 19.372 tỷ đồng, tương đương 13,6%. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đạt mức tăng tiền gửi khá tốt, lên tới hơn 145.616 tỷ, song do những biến động liên quan đến một số nguyên lãnh đạo trong quý 3 nên lượng tiền gửi bị rút ra khá nhiều.
Tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Quân đội đến cuối tháng 9 là 100.429 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm ngoái. Ngân hàng Techcombank ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng tăng 10,2% lên 99.938 tỷ đồng.
Ở các ngân hàng top dưới, tiền gửi khách hàng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đạt 35.473 tỷ, tăng 38,3% so với cuối năm 2011; của Navibank tăng 11,7% đạt 16.565 tỷ đồng; của PGBank là 11.712 tỷ, tăng 7,2%; của Đại Á tăng 21,8% lên 6.228 tỷ; của ngân hàng Bảo Việt giảm 23,3% xuống 5.390 tỷ đồng.
Tiền gửi vào một số ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2012 (ĐVT: tỷ đồng)
Tiền gửi của các TCTD
Cũng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, lượng tiền mà các tổ chức tín dụng khác gửi tại ngân hàng đồng loạt sụt giảm trong 9 tháng qua, trong đó giảm mạnh nhất là ở Navibank và PGBank.
Đứng đầu trong danh sách ngân hàng nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác nhiều nhất là Vietinbank với 23.351 tỷ đồng, mức này tuy nhiên vẫn thấp hơn gần 60% so với thời điểm cuối năm 2011.
Tiếp đến là Vietcombank với 20.568 tỷ đồng, giảm 10,2%; tiền các TCTD khác gửi tại ACB giảm 56,4% xuống 15.126 tỷ đồng.
Các TCTD khác gửi tại ngân hàng Techcombank 21.800 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9, giảm 42,9% so với cuối năm 2011.
Tiền gửi vào Ngân hàng Quân đội giảm gần 42% xuống 14.580 tỷ đồng; vào BIDV là 10.643 tỷ đồng; vào Sacombank giảm 71,1% xuống 1.912 tỷ đồng.
Chỉ có 353,1 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng khác gửi vào PGBank tính đến thời điểm 30/9/2012, giảm 89,5% so với thời điểm cuối năm 2011 trong khi tiền của TCTD khác gửi vào Navibank giảm đến 98,4% còn 54,8 tỷ đồng.
Ngân hàng Bảo Việt chứng kiến lượng tiền mà các tổ chức tín dụng khác gửi vào giảm ít nhất, chỉ chưa đến 0,5% và đứng ở 3.555 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9.
Tiền gửi kỳ vọng tăng mạnh ở quý 4
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động vốn của các TCTD đến 19/10 đạt 14,02%, tăng gấp hơn 5 lần so với mức tăng trưởng tín dụng 2,77%. Trong đó, huy động tiền đồng chiếm mức tăng hơn 17,5% và huy động USD giảm 1,55%; huy động vốn từ dân cư tăng trên 23% và gấp 8,3 lần con số cho vay.
Dự kiến những tháng cuối năm, tiền gửi của khách hàng sẽ tăng mạnh hơn nữa bởi đây là thời gian người dân có nhiều khoản thu như từ hoạt động kinh doanh của cả năm, tiền thưởng, tiền kiều hối gửi về…Ngân hàng cũng thường đưa ra các biện pháp ưu đãi khách hàng như chương trình tặng quà, cào trúng thưởng, tặng tiền mặt, thậm chí là đẩy lãi suất lên cao để hút vốn trong giai đoạn này.