Dịch vụ du lịch vẫn xuất siêu
Khách quốc tế đến du lịch Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế do số tiền khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam. Nguồn ngoại tệ này tăng liên tục qua các năm (năm 2005 đạt 2.300 triệu USD, năm 2010 đạt 4,45 tỷ USD, năm 2015 đạt 7,35 tỷ USD, năm 2019 đạt 11,83 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay). Tỷ trọng của khoản này trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng lên và hiện đạt khá cao (năm 2005 chiếm 53,9%, năm 2010 chiếm 59,7%, năm 2015 chiếm 65,3%, năm 2019 chiếm 71,1%). Mặc dù người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày một nhiều, với số chi tiêu ngày một tăng (2005 đạt 900 triệu USD, 2010 đạt 1,47 tỷ USD, năm 2015 đạt 3,595 tỷ USD, 2019 đạt 6,15 tỷ USD). Tuy nhiên, dịch vụ du lịch vẫn xuất siêu ngày một tăng (nếu như năm 2005 là 1,4 tỷ USD, đến năm 2019 là 5,68 tỷ USD). Số tiền này đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá…
Khách quốc tế đến Việt Nam cùng với du lịch trong nước góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, làm tăng trưởng nhiều ngành có liên quan khác (như vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống,…). Quan trọng hơn, đón khách quốc tế đến Việt Nam là hình thức trực tiếp giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Bởi Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, văn hóa trải dài, rộng khắp các vùng miền, nổi tiếng, được xếp hạng cao trên thế giới. Ẩm thực của Việt Nam có nhiều món nổi tiếng, có những di tích phù hợp với khách đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ...
Khách quốc tế giảm sâu vì dịch Covid-19
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá và đạt quy mô tương đối lớn (bình quân 1 tháng năm 2019 đạt 1,5 triệu lượt người). Tuy nhiên, bước sang năm 2020, nhất là từ tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị giảm sâu. Cụ thể, nếu như tháng 2 lượng khách quốc tế giảm 37,7% thì đến tháng 6 đã giảm 61,2%. So với cùng kỳ năm trước, tháng 6/2020 giảm tới 99,3%, hay giảm 1246,1 nghìn lượt người. Có thể coi tháng 6/2020 là “đáy” của sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong 29 nước và vùng lãnh thổ, ngoài Campuchia có số khách đến Việt Nam tăng, còn 28 nước và vùng lãnh thổ đều giảm. Trong đó có 9 nước và vùng lãnh thổ có số lượt khách đến Việt Nam giảm trên 100.000. Giảm nhiều nhất là khách đến từ Trung Quốc (giảm 1.565,5 nghìn lượt người, chiếm tới 32,4% tổng số giảm); tiếp đến là số khách đến từ Hàn Quốc (giảm 1.256,3 nghìn lượt người, chiếm 25,8% tổng số giảm). Sự sụt giảm của số khách quốc tế đến Việt Nam có nhiều nguyên nhân chủ yếu từ tác động của dịch Covid-19.
Sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng qua đã tác động đến nhiều mặt trong nước. Trước hết làm cho xuất khẩu dịch vụ du lịch trong 6 tháng giảm sâu. Trong 6 tháng so với cùng kỳ năm trước, số khách giảm 55,8%, lại thêm số chi tiêu bình quân 1 lượt khách giảm (từ 555,4 USD xuống còn 510,9 USD); Xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đạt 2,438 tỷ USD, giảm 56,1%. Mức giảm này đã góp phần làm cho xuất khẩu dịch vụ trong 6 tháng năm nay chỉ đạt 4,736 tỷ USD, giảm 50,3% so với cùng kỳ.
Cùng với các yếu tố khác, sự sụt giảm số khách quốc tế đến Việt Nam góp phần làm cho nhiều hoạt động có liên quan đến du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng bị ảnh hưởng. So với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 33,7% (trong đó hàng không còn giảm sâu hơn, tới 51,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng riêng của ngành du lịch lữ hành giảm 53,2%.
Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong các tháng tới vẫn còn giảm mạnh. Số khách đến trong tháng 6 có thể là tháng “đáy”, nhưng từ tháng 7 trở đi sẽ tăng dần. Bởi Việt Nam đang dần mở cửa để đón khách quốc tế đối với những nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19; hoặc những người đến làm việc đầu tư, thương mại và các hoạt động khác. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước lượng khách sẽ không thể tăng, thậm chí vẫn giảm. Dự báo, cả năm 2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng chỉ đạt 13,3 triệu lượt, giảm 26,1% so với năm 2019; Xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đạt khoảng 6,8 tỷ USD, giảm 42,5% so với năm 2019.