Khách sạn, resort, homestay Hà Nội khởi động hậu giãn cách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố Hà Nội cho phép các cơ sở lưu trú đón khách trở lại, nhiều gia đình đã lên kế hoạch nghỉ ngơi bù sau những ngày phải “bó chân” một chỗ. Vì vậy, hệ thống khách sạn, homestay, villa, resort ngoại thành đã khởi động và đón một lượng khách lớn quay trở lại, đặc biệt vào cuối tuần.

Chọn nghỉ dưỡng tại chỗ
Anh Lê Nam Thắng ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) chia sẻ, thông thường trong khoảng thời gian từ  tháng 6 đến tháng 10 gia đình sẽ tổ chức đi du lịch khoảng 2 lần, nhưng do dịch Covid-19 nên các chuyến du lịch đều phải dừng lại. Vì vậy, sau khi TP Hà Nội gỡ bỏ giãn cách, gia đình quyết định chọn những điểm du lịch vùng ven để vui chơi, nghỉ dưỡng những ngày cuối tuần. “Kế hoạch là vậy nhưng việc thực hiện lại không dễ dàng, bởi homestay, villa, resort tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn... đều báo hết phòng những ngày cuối tuần nên gia đình đành hoãn đi du lịch nghỉ dưỡng” – anh Thắng chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân khiến nhiều homestay, villa, resort kín khách đặt phòng những ngày cuối tuần, chủ homestay Moonlight (huyện Sóc Sơn) Trần Hoàng Thiên Kim nêu rõ, đa phần khách thuê phòng nghỉ cuối tuần là người làm công ăn lương, nên không thể thuê phòng vào những ngày làm việc trong tuần.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trên một số website chuyên đặt phòng khách sạn như Agoda, Booking cho thấy, hiện nhiều homestay, resort thông báo từ nay đến giữa tháng 11 đã kín khách thuê phòng những ngày cuối tuần, một số cơ sở đã nhận khách đến đầu tháng 12.
Thực tế cho thấy thời điểm này không chỉ những website chuyên đặt phòng khách sạn mới chào bán phòng nghỉ tại homestay, resort mà nhiều công ty du lịch cũng bắt đầu tung bán các gói thuê phòng nghỉ giá hấp dẫn. Giám đốc Công ty du lịch Anhduong Tour Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau thời gian dài giãn cách, người Hà Nội có xu hướng tìm đến không gian thiên nhiên, thoáng đãng nhưng vẫn đầy đủ dịch vụ tiện ích khép kín để bảo đảm phòng, chống dịch nên các homestay, resort khu vực ngoại thành sẽ được du khách lựa chọn nhiều.
 
Khu nghỉ dưỡng 5 sao Melia Ba Vì Mountain Retreat (huyện Ba Vì)

Hiện, homestay tại các địa điểm như làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn… thường có mức giá từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/phòng/đêm. Những gia đình đi theo nhóm đông, lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng có thể chọn thuê phòng tại resort, villa sở hữu không gian riêng tư, thoáng đãng, có bể bơi và phục vụ ăn uống tại chỗ… Hiện ở một số resort khu vực huyện Ba Vì, một căn villa 2 - 3 phòng ngủ có giá  thuê từ 3,5 triệu đồng/đêm, loại 3 phòng ngủ khép kín, 1 phòng sinh hoạt chung có giá 3,2 triệu đồng/đêm cho các ngày thường, nếu thuê phòng vào những ngày cuối tuần giá sẽ cộng thêm từ 1-2 triệu đồng/đêm.
Để thu hút khách Glory Resort (thị xã Sơn Tây) đưa ra mức giá ưu đãi từ 750.000 đồng/khách/đêm, bao gồm ăn sáng, tham gia trải nghiệm khu vui chơi. Một số villa tại huyện Sóc Sơn đưa ra mức giá thuê từ 3,5 triệu đồng/đêm ngày cho một villa có 4 phòng ngủ, bể bơi, phòng bếp, khách..., nếu thuê villa 6 phòng ngủ có giá 6,5 triệu đồng/đêm, riêng 3 ngày cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật giá thuê lên đến 7,5-8,5 triệu đồng/đêm.
Du lịch Hà Nội nỗ lực phục hồi
Thực tế cho thấy, trong khi các homestay, villa, resort khu vực ngoại thành đông khách thuê phòng thì tại khu vực nội thành, phố cổ khá vắng vẻ, hoạt động cầm chừng.
Chủ khách sạn Sunlight (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện nhiều khách sạn khu vực phố cổ chưa mở cửa hoạt động trở lại vì không có khách du lịch đến Hà Nội. Bên cạnh đó các khách sạn cũng đang thiếu nguồn nhân lực bởi hầu hết nhân viên đã nghỉ việc từ lâu do Covid-19.
 
 Khách du lịch tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc kinh doanh khách sạn Movenpick Nguyễn Thùy Bích Vân cho biết, mặc dù khách sạn đã mở cửa hoạt động nhưng hiện lượng khách thuê phòng hầu như không có, vì vậy đơn vị tập trung kết nối với đối tác để thăm dò nhu cầu, quảng bá thương hiệu. “Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới lượng khách chuyên gia đã hết thời hạn cách ly, hoặc khách thương gia từ các địa phương khác về Hà Nội làm việc sẽ thuê phòng khách sạn", bà Bích Vân thông tin.
Để phục hồi ngành du lịch và tạo cơ hội cho hệ thống khách sạn có thêm nguồn thu, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành kết hợp với khách sạn xây dựng tour du lịch mới. Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, hiện doanh nghiệp kết hợp với một số khách sạn 5 sao xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan, giới thiệu lịch sử khu phố Tây, Nhà hát Lớn… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn.
“Du khách tham gia tour không phải đi xa nhưng có cơ hội thưởng lãm cảnh đẹp hồ Tây,  nghỉ dưỡng tại khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake.” – ông Nguyễn Công Hoan nêu ví dụ.
Tương tự ngày 23/10 Công ty Lữ hành Hanoitourist khai trương tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” qua đó đưa du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Nhà hát Lớn - Bắc Bộ Phủ và khách sạn Sofitel Metropole, qua đó khám phá giá trị lịch sử kiến trúc độc đáo pha trộn giữa 2 nền văn hóa Pháp-Việt Nam gắn với những sự kiện lịch sử của Thủ đô, đất nước.
Việc các homestay, villa, resort bắt đầu đông khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành phối hợp với hệ thống khách sạn xây dựng tour mới cho thấy du lịch Thủ đô bắt đầu hồi phục hậu Covid-19.

Sở Du Lịch Hà Nội đã có kế hoạch phục hồi hậu Covid-19, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động lưu trú phải thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới. Người dân khi tham gia các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi cần nâng cao ý thức tự giác phòng dịch, giữ khoảng cách để bảo đảm an toàn cho mình và người thân.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu