Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách tây nườm nượp đến Việt Nam ăn Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sang năm 2010, du lịch Việt Nam có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Với hàng nghìn vị khách đến Việt Nam nhân dịp năm mới,

KTĐT - Sang năm 2010, du lịch Việt Nam có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Với hàng nghìn vị khách đến Việt Nam nhân dịp năm mới, Tổng cục Du lịch hy vọng 2010 sẽ đón 4,5-4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 18-21% so với năm 2009.

Các công ty lữ hành cho biết, hàng nghìn khách quốc tế đến ăn Tết 2010 tại Việt Nam, trong khi khách trong nước lại rục rịch kéo nhau ra nước ngoài. Thời điểm này, các khách sạn ở những điểm "nóng" du lịch trong nước cũng "cháy" phòng.

Tín hiệu tốt cho năm mới

Bà Đoàn Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho hay, hôm 31/12, hơn 2.000 du khách đến từ Ý, Tây Ban Nha, Anh và Đức trên tàu Costa Classica cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Cùng những vị khách này, năm 2009, Saigontourist đón gần 75.000 khách tàu biển quốc tế.

Mô tả ảnh.
Năm 2010, ngành du lịch hy vọng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 18-21%. 
(Ảnh: binhthuan)


Công ty tổ chức chương trình đón năm mới 2010 dành cho du khách tàu biển ngay tại phố cổ Hội An, với nhiều tiết mục giao lưu, ca múa nhạc truyền thống, nghi lễ khai tiệc sâm-panh đón chào năm mới 2010.

Ngày 1/1/2010, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), công ty sẽ đón những du khách đầu tiên, đây là cặp vợ chồng người Mỹ đến Việt Nam hưởng tuần trăng mật.

Ngoài ra, cùng “xông đất” vào những ngày đầu năm mới (từ 1/1 đến 5/1/2010) còn có hơn 1.000 khách Mỹ, châu Âu... tại các điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Công ty du lịch Vietravel ngày 1/1/2010 cũng đón đoàn khách châu Âu đầu tiên hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 17h 55 phút. Đoàn lưu lại Việt Nam 15 ngày. Năm nay, khách châu Âu đến Việt Nam nhiều hơn thông qua các chương trình quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Furama (Đà Nẵng), cũng thông báo, công suất phòng tại đây đạt 80-90% vào các ngày 31/12/2009-1/1/2010.

"Khách đăng ký ở resort này thời điểm năm mới năm nay tăng 10% so với năm ngoái. Hầu hết khách đến từ Úc, châu Âu, có đoàn nghỉ dài tới 15 ngày. Đặc biệt dịp này, 20% lượng khách đặt là các gia đình", ông Quỳnh nhận xét.

Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2009 có khoảng 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 11% so với năm ngoái (tương đương khoảng 450.000 lượt người).

Sang năm 2010, du lịch Việt Nam có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Với hàng nghìn vị khách đến Việt Nam nhân dịp năm mới, Tổng cục Du lịch hy vọng 2010 sẽ đón 4,5-4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 18-21% so với năm 2009.

Khách sạn kẹt cứng khách

Đến thời điểm này, các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đã kẹt cứng khách cả trong và ngoài nước. Tại Sa Pa, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Huế... nhiều nơi "cháy" phòng.

Mô tả ảnh.
Khách mua sắm hàng lưu niệm. 
(Ảnh: phanvien).

Thống kê từ Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, đến chiều 29/12, tất cả các cơ sở lưu trú ở Đà Lạt đều đã hết phòng trong dịp Festival hoa Đà Lạt (từ ngày 1 đến 4/1/2010), dù lượng khách đăng ký hiện còn rất nhiều.

Với gần 700 khách sạn, công suất khoảng 30.000 khách/đêm, song do lượng khách đổ lên ngắm hoa quá đông nên Đà Lạt trở nên quá tải. Thành phố Hoa ước tính đón khoảng 300.000 lượt người.

Tại Khánh Hòa, anh Nguyễn Phi Tâm, cán bộ Phòng điều hành Công ty Nha Trang Holiday tour, cho biết, các khách sạn 3 sao trở lên ở Nha Trang đã cạn phòng từ cách đây nửa tháng. Thậm chí, giá còn tăng gấp đôi, lên 80USD so với mức 40 USD/phòng (có ăn sáng buffet).

Trong mấy ngày đầu năm mới, các khách sạn, các chủ nhà nghỉ tư dọc đường Trần Phú đã "hét" 400.000-600.000 đồng/phòng, kể cả 800.000 đồng cũng có. Anh Tâm nói rằng, đây là thời điểm để các khách sạn tranh thủ làm ăn, bù lỗ cho mấy tháng mùa đông vắng khách. Ngay cả thành phố Nha Trang, người dân cũng chấp nhận tiêu dùng theo giá của khách du lịch.

Năm nay, xu hướng khách du lịch nội địa đi nghỉ ở khách sạn cao sao, khu nghỉ dưỡng cũng tăng. Anh Tâm nhìn nhận, trong số ba loại khách du lịch (du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá) thì khách nghỉ dưỡng đang có xu hướng tăng mạnh.

Đặc điểm của loại khách này là chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi, chi tiêu mua sắm không cao, chủ yếu là chi tiền phòng, dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cũng dẫn chứng, tỷ lệ khách Việt nghỉ tại Furama tăng từ 13% mức năm ngoái thì năm nay, có thời điểm lên tới 18%. Người Việt bắt đầu quan tâm đến chất lượng cuộc sống, hưởng thụ hơn mặc dù giá phòng cao hơn khoảng 5% so với năm trước.

Hầu hết tour xuất ngoại, đón Tết Dương lịch ở nước ngoài đã khởi hành và "khoá" sổ, chỉ còn nhận đăng ký cho khách đi chơi xa vào Tết Nguyên đán. Ghi nhận của giới lữ hành, khách đi du lịch nước ngoài tăng mạnh dịp này. Điển hình, tại TP.HCM, chỉ trong tháng 12/2009, số người đến làm hộ chiếu tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.