Tham dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; cùng lãnh đạo các ban, ngành, tôn giáo, các đại sứ và đoàn ngoại giao tại Hà Nội; Chức sắc lãnh đạo Phật giáo các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội. |
Về phía Giáo hội có Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban tổ chức Đại hội; cùng các Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN và 1.250 đại biểu tăng, ni, cư sĩ, phật tử đại diện cho gần 54.000 tăng, ni, hơn 16 triệu phật tử và hàng chục triệu người kính ngưỡng đạo Phật trên cả nước.
Đọc diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN nhấn mạnh, với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: Tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ VII (2012-2017); Thảo luận chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022); Thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; Suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, Suy cử Hội đồng Trị sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và thảo luận một số công tác phật sự quan trọng khác.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tặng bức trướng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật; là minh chứng sống động, biểu hiện cao nhất của tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa Đạo với Đời, giữa Giáo hội với Đất nước. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Phó Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam vào những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn…; thực hiện các chương trình tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Đại hội |
Đánh giá cao và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh và hiệu quả đóng góp của Phật giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn đại biểu dự Đại hội sẽ lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc có đạo hạnh và trí tuệ, đủ uy tín và năng lực đảm trách các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của Trung ương GHPGVN. “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa các Hội Phật tử Việt Nam, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, cùng đồng bào trong nước chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị các ban, bộ, ngành T.Ư và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ VII, thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Tăng, ni và phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện GHPGVN quản lý gần 18.500 ngôi chùa, cơ sở tự viện. Hệ thống giáo dục đào tạo tăng ni hoàn chỉnh ở các cấp; đã đào tạo 2460 tăng, ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học; 300 tăng ni du học, trong đó có có 200 tăng, ni là tiến sĩ, thạc sĩ. Công tác hướng dẫn phật tử, văn hóa có nhiều chuyển biến. Công tác hoằng pháp, thông tin – truyền thông liên tục phát triển.
Trong phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến, nhiều cơ sở thờ tự tại các địa phương đã đạt tiêu chuẩn thờ tự văn minh, góp phần khôi phục các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể của đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc ; khánh thành quần thể chùa tại các quần đảo Trường Sa… Công tác từ thiện xã hội được nhân rộng trên 63 tỉnh thành, với gần 6.840 tỷ đồng.
Đại hội VIII Nhiệm kỳ (2017-2022) đề ra 9 mục tiêu, trong đó chú trọng phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh, kiên định lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Giáo hội tiếp tục đổi mới công tác hoằng pháp, hướng dẫn phật tử; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tăng, ni.