Các hoạt động trong Ngày hội Sách gồm: Triển lãm tư liệu “Sách - Tri thức và phát triển xã hội” (diễn ra từ 20/4 - 5/5); giao lưu tác giả - tác phẩm (sáng 20/4) với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc trong vai trò diễn giả; thi vẽ tranh theo sách; thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt; thi nhận diện tác giả, tác phẩm (đều diễn ra trong sáng 20/4). Đặc biệt, trong dịp này, Hội chợ sách cũng sẽ được tổ chức (từ 20 - 23/4) với sự tham gia của một số nhà xuất bản, nhà sách, giới thiệu hàng ngàn tên sách với giá bán ưu đãi.
Sáng 20/4, ngày đầu khai mạc Ngày hội Sách nhưng đã có hàng ngàn độc giả tham dự, đặc biệt là học sinh của các trường tiểu học khu vực Hà Nội. Ngày hội Sách đã góp phần kích thích văn hóa đọc không chỉ từ quầy hàng bán sách giảm giá, mà ở các chương trình giao lưu gợi mở về kiến thức học hỏi từ trong sách. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức tiến hành tiếp nhận tài trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ các thư viện ở vùng sâu, vùng xa, thư viện còn gặp nhiều khó khăn.
Hướng đến Ngày Sách Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội, mà nhiều tỉnh, thành khác như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... cũng tổ chức hoạt động kéo độc giả đến với sách. Điều đáng nói, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức xã hội tự nguyện tham gia vào việc quảng bá sách. Chẳng hạn như chương trình Sách hóa nông thôn của ông Nguyễn Quang Thạch; hay những chuyên trang thông tin và chia sẻ kiến thức chọn lọc dành cho giới trẻ “spiderum.com” của Trần Việt Anh. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Ở thời đại công nghệ thông tin, việc đọc sách theo cách truyền thống đang giảm dần, nhưng không phải vì thế chúng ta đang không đọc sách. Tôi nghĩ dù đọc theo phương thức nào cũng là đọc sách. Điều quan trọng là người đọc tiếp nhận được những thông tin bổ ích gì từ sách”. Và chính những hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc của mỗi tổ chức, cá nhân đã định hướng rõ ràng trong việc khẳng định tinh thần khuyến đọc, hướng tới một xã hội học tập, phát triển bền vững.