Khai mạc phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (14/7), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 29. Phiên họp dự kiến diễn ra từ hôm nay đến ngày 16/7.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 29 là phiên họp quan trọng, ngay sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Khai mạc phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh TTXVN
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số dự án Luật vừa được Quốc hội thảo luận tại kì họp thứ 7 như dự án Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ dành thời gian đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật căn cước công dân. Các đại biểu tán thành, cần xây dựng một chương riêng về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân. Tuy nhiên, đề nghị cần đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện xây dựng hạ tầng kĩ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Liên quan đến quy định số định danh cá nhân 12 số, một số ý kiến đề nghị cân nhắc số lượng chữ số trong số định danh cá nhân để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tránh gây phiền hà cho công dân khi thực hiện quản lý bằng số định danh cá nhân.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, số định danh cá nhân là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân đảm bảo không trùng lặp. Số này có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh và giới tính của công dân. Xác định số định danh cá nhân 12 số là phù hợp với quy mô dân số trước mắt và lâu dài của nước ta.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Qua tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra vẫn chưa trả lời được câu hỏi, sau khi Luật có hiệu lực sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân.

Đánh giá cao Dự thảo Luật là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về dân cư cũng như giảm giấy tờ cho công dân, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần có một báo cáo riêng về điều kiện đảm bảo tính khả thi của Luật về cơ sở hạ tầng, nguồn lực về tài chính và con người.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật hộ tịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, 2 dự thảo Luật này cần quy định rõ bộ, ngành nào sẽ có trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần