Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc WEF ASEAN 2018: Thủ tướng đề xuất ASEAN hòa mạng di động một giá cước

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/9) tại Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) chính thức được khai mạc. Tham dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (giữa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) cùng Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trước lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab cùng chủ trì lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo, các trưởng đoàn tham dự Hội nghị WEF ASEAN 2018.
Diễn ra từ ngày 11 - 13/9, với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực, có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sau lễ đón chính thức, các nhà lãnh đạo sẽ tham quan Góc quảng bá các nước ASEAN và dự phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF ASEAN.
"20 năm tới chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt"
Mở đầu lễ khai mạc, thay mặt Ban tổ chức WEF ASEAN 2018, ông Klaus Schwab trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu cuộc họp thứ 27 của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Trong bài phát biểu dài khoảng 5 phút sau đó, Chủ tịch WEF nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu. 20 năm tới chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Chủ tịch WEF nói, đồng thời cho rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ xoá bỏ 1 số công việc nhưng tạo cơ hội cho công việc mới. 
Chủ tịch WEF phát biểu khai mạc Diễn đàn WEF 2018. Ảnh: WEF.

"Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”, Chủ tịch WEF nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu WEF, thế giới đang đối mặt 2 thách thức. Một là, thế giới đang dịch chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ thế giới đơn phương sang đa phương. Dù nhiều quan điểm khác biệt song với mối quan tâm chung, Chủ tịch WEF tin tưởng sự đồng thuận cao trong nội khối ASEAN sẽ giúp khu vực vượt qua được thách thức này.

Hai là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi kinh doanh, nền kinh tế, năng lực cạnh tranh toàn cầu. 20 năm tới sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Các quốc gia thành công từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ được "định nghĩa" lại bởi hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Sau phần phát biểu của Chủ tịch WEF, Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về WEF ASEAN được công bố, nội dung chính xoay quanh câu chuyện toàn cầu hóa đang bao trùm. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: WEF.

Chung tay hợp tác phát triển, lấy người dân làm trung tâm

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn.

Trước hết đã tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn. Sau đó là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cuối cùng là phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống của ASEAN.

"Nhiều chuyên gia nói rằng, rất nhiều sinh kế cho người dân được xuất từ cuộc Cách mạng 4.0, tuy nhiên thách thức về gia tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, ASEAN tự hào có một Singapore tiên phong về kinh tế số, đạt được những thành tựu thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đẩy lùi những thách thức từ cuộc cách mạng này.

Thứ nhất là việc kết nối số, chia sẻ dữ liệu; cùng với đó là chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử.

Thứ hai, xây dựng cơ chế hài hoà môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối. "Liên kết một cửa ASEAN là cơ hội tốt. Tại diễn đàn này, Việt Nam đưa ra sáng kiến mới hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm này.

Cuối cùng, Thủ tướng đánh giá, ASEAN cần hình thành mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời. "Trong bối cảnh lan toả cách mạng 4.0, chúng ta phải chung tay hợp tác, phát huy sức mạnh nội khối để hướng tới hoà bình, ổn định, tự cường dựa trên nền tảng người dân, lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hoá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.