Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, rất nhiều những giải pháp, gợi mở đã được đưa ra để chấn hưng, phát triển văn hóa. Trong đó, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một hướng đi tiềm năng, để thúc đẩy kinh tế tri thức cũng như quảng bá, bảo vệ, phát triển bản sắc dân tộc, di sản.
Tại Hà Nội, công nghiệp văn hóa cũng là vẫn đề đã được nhắc đến nhiều, với những khởi đầu được đánh giá cao. TP đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo để đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để tìm hướng đi. Cùng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, Hà Nội có 5.922 di tích (1 di sản văn hóa thế giới), 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản Tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)… Vốn văn hóa này chính là lợi thế để có thể biến những tiềm năng công nghiệp văn hóa trở thành giá trị kinh tế. Và việc tạo ra một cú hích về mặt chỉ đạo, quan điểm, giải pháp sẽ thúc đẩy sự phát triển, khai phá những “mỏ vàng” di sản, văn hóa.Điều đặc biệt hơn nữa, Nghị quyết chuyên đề “về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Ban Chấp hành Đảng bộ TP bàn thảo kỹ lưỡng trước khi thông qua này cũng là một trong hai Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy, gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Điều đó càng cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội. Được biết, dự thảo Nghị quyết sẽ đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của TP về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với đó là 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.Phát triển văn hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ, liên tục, đòi hỏi sự quyết liệt và nỗ lực. Để tiến tới những mục tiêu như mong muốn còn rất nhiều vấn đề cần triển khai trong bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, đưa văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của TP. Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, bất cứ một chỉ thị, nghị quyết nào của Đảng bộ các cấp đều có nguyên nhân từ thực tại. Việc Hà Nội ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển công nghiệp văn hóa chính là cơ sở để TP triển khai đồng bộ các giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài. Đồng thời, giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề khó khăn trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực này. Qua đó, không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn là lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, làm cho Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.