Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác hiệu quả hầm, cầu đi bộ: Giảm ùn tắc, tránh tai nạn

Nguyễn Văn Công (Thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt công trình hầm, cầu đi bộ không chỉ mở ra hướng giao thông mới mà còn đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường.

Quan trọng hơn, đó là kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho nhiều khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng thực tế của hầm, cầu đi bộ hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tham gia giao thông của người đi bộ chưa cao.
Thói quen thiếu văn hóa
Từ năm 2001, Hà Nội đã cho triển khai xây dựng nhiều cầu, hầm đi bộ tại các điểm nóng giao thông trong nội thành. Đặc biệt, tại trục đường Vành đai 3 (tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến) có đến 17 hầm đi bộ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Còn tại các giao lộ lớn như nút giao Ngã Tư Sở, Kim Liên… thì những hầm bộ hành được xây dựng hiện đại, kinh phí lên đến gần 3 triệu USD. Những cây cầu đi bộ không mái che gần như đều có ở cổng Học viện Ngân hàng, Đại học Quốc gia, Ngã ba Văn Điển… nơi tập trung đông lưu lượng người qua lại.
 Có cầu đi bộ nhưng nhiều người vẫn chọn cách băng qua đường Chùa Bộc. ảnh Công Hùng.
Mục đích xây dựng hầm, cầu đi bộ chính là để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, tránh xung đột và UTGT với các phương tiện cơ giới khác. Nhưng một nghịch lý lại diễn ra, là đại bộ phận người đi bộ vẫn băng qua đường giữa dòng xe cơ giới, bất chấp sự nguy hiểm luôn rình rập. "Người đi bộ đã góp thêm “lửa” cho tình trạng UTGT, khi buộc người điều khiển giao thông giảm tốc độ, rẽ lái để nhường đường" - một chuyên gia giao thông nhận xét.
Chỉ vì muốn nhanh hơn một phút, tiện hơn một chút, nên nhiều người thời ơ với các công trình giao thông phục vụ người đi bộ đã gây lãng phí tiền đầu tư và còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ách tắc đường phố, mất mỹ quan đô thị.
Quan sát cây cầu đi bộ tại Ngã ba Văn Điển trong một buổi sáng tháng 10, không ghi nhận được một người đi bộ nào qua đường bằng cây cầu có giá trị hàng tỷ đồng này. Cho dù giao lộ Ngã ba Văn Điển khá rộng (khoảng trên 20m) lại có nhiều xe container di chuyển ra vào. Hơn nữa đây lại là nơi trung chuyển giữa xe buýt 39 và xe buýt 06, hàng chục tuyến buýt 39 trả khách trong buổi sáng và gần như toàn bộ số khách đó đều qua đường để đi tới điểm chờ xe buýt 06 (xuôi về Thường Tín, Phú Xuyên).
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Tuyên truyền nâng cao ý thức của người đi bộ chính là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Tính mạng con người là vô giá, có nhanh hơn một hay mười phút cũng không thể nào so sánh được với tính mạng con người. Hoặc thay cho những lời than vãn tại sao Hà Nội hay tắc đường thì mỗi người đi bộ hãy nghiêm túc chấp hành luật giao thông, đừng chen lấn, hòa mình vào dòng xe cơ giới. Hãy coi việc leo lên cầu đi bộ chính là một bài thể dục nhẹ cần thiết mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh tật, lại giải được bài toán tắc đường.
Tại những cây cầu, hầm đi bộ nên treo những quy định về xử phạt người qua đường sai quy cách. Thêm vào đó những khẩu hiệu, biểu tượng khuyến khích người đi bộ sử dụng hầm, cầu đi bộ như “Vì sự an toàn của chính bạn hãy sử dụng tôi”, “Nét văn minh khi qua đường”. Tích cực hơn nữa giáo dục nhà trường, giáo dục tại các Chi đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể các cấp.
Cho dù đã có quy định xử phạt rõ ràng người đi bộ vi phạm luật giao thông, nhưng việc xử phạt lại chưa quyết liệt. Theo khoản 2, Điều 12 - Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định, người đi bộ trèo qua dải phân cách, đi qua đường không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 40.000 - 80.000 đồng. Cũng theo Điều 32 - Luật Giao thông đường bộ quy định, nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó. Vậy để tránh bị xử phạt người đi bộ hãy tuân thủ quy định bằng chính trái tim của mình.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm 2017, bên cạnh đó, các tuyến buýt nhanh BRT cũng được đưa vào hoạt động trong thời gian gần nhất. Vì vậy vai trò của các cây cầu, hầm đi bộ tại các điểm trung chuyển, đón trả khách lại càng thêm quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông.
Mỗi người dân trước hết hãy tự nâng cao nhận thức, ý thức của mình trong việc chung tay cùng chính quyền xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn. Một hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn đó chính là sử dụng những dịch vụ công của TP cung cấp, thể hiện tính đoàn kết, nhất quán cao giống như ý nghĩa của câu châm ngôn “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.