Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác “mỏ vàng” công nghiệp văn hóa

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH).

Sau một năm diễn ra Hội nghị, ngành văn hóa cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nhiều lĩnh vực vẫn còn là tiềm năng.

Bước tiến quan trọng

Ngoài việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ khá sớm (15/3/2022), một trong những điểm nhấn quan trọng về phát triển CNVH của Việt Nam là việc Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022.

Theo Bộ VHTT&DL, Luật Điện ảnh năm 2022 đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng 68 năm ngày giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10-2022. Ảnh Phạm Hùng 
Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng 68 năm ngày giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10-2022. Ảnh Phạm Hùng 

Với sự đổi mới này, nhiều nhà làm phim, đạo diễn tin rằng sẽ tạo những cú hích cho điện ảnh, cũng như khai thác kinh tế từ văn hóa như câu chuyện bộ phim Hàn Quốc “Trò chơi con mực” (Squid Game) đã không chỉ đạt doanh thu khủng từ điện ảnh mà còn phục hồi nghề làm loại kẹo truyền thống...

Không chỉ ở T.Ư, tại địa phương, CNVH cũng được triển khai bài bản, có trọng tâm. Tiêu biểu như ở Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về CNVH đến 2025, tầm nhìn 2030, định hướng 2045. Nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại đô thị được nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật.

Đơn cử như trường hợp của tổ hợp Complex 01 ở phố Tây Sơn, điểm đến yêu thích hiện nay của giới trẻ, vốn trước là một xưởng in cũ. Hay không gian sáng tạo về thiết kế 282 Design ở phố Phú Viên (Gia Lâm), trước là nhà máy sản xuất mũ cối, nằm lọt trong khu dân cư đông đúc, hiện đã trở thành một địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện thiết kế, triển lãm nghệ thuật.

Mặt khác, CNVH đã góp phần phát triển con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, thanh niên, trẻ em, khuyết tật, dân tộc thiểu số. Các DN, không gian sáng tạo như Vụn Art (hỗ trợ cho người khuyết tật), Tò He (làm việc với trẻ em tự kỷ), Think Playgrounds (thiết kế sân chơi công cộng cho trẻ em), không gian làm việc chung như Toong, Up Gen hay không gian chế tác chung dành cho thanh niên khởi nghiệp... trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững.

Tạo thương hiệu cho công nghiệp văn hóa

Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, song nhiều chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại về sự bền vững phát triển CNVH tại Việt Nam. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, vấn đề nằm ở chỗ các sự kiện còn mang tính kỳ dịp, tổ chức chưa chuyên nghiệp hay một số tồn tại tạo điểm nghẽn ngăn phát triển bùng nổ văn hóa. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến lo ngại đó đến từ nhân lực. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, nhiều người trong số họ sáng tạo, tuy nhiên từ sáng tạo đến thị trường còn là khoảng cách khá xa.

“Chúng ta cần biết cách tạo thương hiệu cho nghệ sĩ để từ đó tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, thậm chí là cả ngành CNVH như thương hiệu của đạo diễn Trương Nghệ Mưu có ảnh hưởng tích cực đến phát triển điện ảnh Trung Quốc” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Bên cạnh khó khăn về nhân lực, thiếu nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành CNVH - nghệ thuật Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt đáng kể các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Quá trình tạo lập các sản phẩm, dịch vụ văn hóa còn nặng tính bao cấp, thụ động, vai trò của thị trường với các quy luật cung cầu, cạnh tranh vẫn chưa phát huy tác dụng đầy đủ.

Gần gũi với hơn đời sống thường nhật, công chúng có thể thấy không ít biểu hiện lệch chuẩn, hành vi ứng xử thiếu văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Những năm gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự tha hóa về nhân cách có chiều hướng gia tăng đang là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị.

Tháng 3/2022, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ với cáo buộc "lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, phát ngôn mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" thông qua việc livestream trên Facebook.

Ngày 20/9/2022, các MV triệu view trên nền tảng YouTube của rapper Bình Gold như “Ông bà già tao lo hết”, “Trơn”, “Lái máy bay”, “Bốc bát họ”, “Quan hệ rộng” bị xóa bỏ. Những MV này có điểm chung là ngôn từ dung tục, hình ảnh phản cảm ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ. Tháng 10/2022, một loạt nghệ sĩ đăng bài quảng cáo các hoạt động mê tín dị đoan, sản phẩm kém chất lượng phải gỡ bỏ thông tin trước làn sóng phản đối dữ dội của dư luận.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Để ngành CNVH Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân về tầm quan trọng của CNVH, theo các chuyên gia, cần quan tâm bảo hộ quyền tác giả, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển CNVH. Trong đó chú trọng ưu đãi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu đãi đối với các sản phẩm văn hóa khi sản xuất, lưu thông trên thị trường, nhất là xuất khẩu ra quốc tế gắn với chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo của các văn, nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa.

Đồng thời, chú trọng phát triển và làm sâu sắc hơn nội hàm của mối quan hệ Nhà nước - văn nghệ sĩ - DN - Nhân dân để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của CNVH. Xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành CNVH, tập trung ứng dụng công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao tại thị trường khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, cần tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, nòng cốt mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cao để làm tiền đề phát triển ngành CNVH như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa. Trong đó chú trọng khai thác, phát huy kho tàng ẩm thực đặc biệt phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc Việt Nam.

 

Việc chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập thị trường văn hóa. Thực tế trên đòi hỏi cần tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng xây dựng Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng