Tiềm năng lớn
Đan Phượng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, mang nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, cùng với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện Đan Phượng đã có bước phát triển, đổi thay rõ rệt. Bản sắc văn hóa xứ Đoài của mảnh đất quê hương phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” cũng góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, trên địa bàn huyện có 155 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở xã Hạ Mỗ; di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở xã Đan Phượng; miếu Diều (xã Hồng Hà)…
Đền Văn Hiến, tên chữ là Văn Hiến Đường thuộc xã Hạ Mỗ, xưa kia là văn chỉ thờ Khổng Tử và là nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, Nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây. Tháng 11/1991, đền Văn Hiến được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Còn miếu Diều (miếu Châu Trần), xã Hồng Hà vừa được UBND TP xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp TP vào tháng 11/2023. Ngôi miếu là công trình tín ngưỡng thờ thần linh Châu Thổ, gắn với nền văn minh lúa nước với các hạng mục kiến trúc và hiện vật tỉ mỉ, công phu, phần lớn được tạo tác vào thời Nguyễn.
Giá trị lớn nhất của di tích miếu Diều nằm ở lĩnh vực phi vật thể, đó là Lễ hội thả diều với đầy đủ nghi thức truyền thống vô cùng độc đáo, chỉ có riêng ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà. Lễ hội đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn văn hóa đặc sắc của huyện Đan Phượng. Hiện nay, địa phương đang nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngoài hệ thống di tích văn hóa lịch sử độc đáo, huyện Đan Phượng còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm giàu cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội như ca trù Thượng Mỗ, hát chèo tàu Tân Hội… Trong đó, tại xã Thượng Mỗ hiện nay vẫn còn di tích đền Đầm Giếng – nơi thờ Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng (thời vua Lê Chính Hòa, cuối thế kỷ XVII), người được mệnh danh là bà chúa của nghệ thuật ca trù xứ Đoài.
Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian vào năm 2004. Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân Nhân dân ca trù Nguyễn Thị Tam (xã Thượng Mỗ) cho biết, hiện nay Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ có tổng số hơn 40 hội viên. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ lại tổ chức các buổi đào tạo ca trù cho những em nhỏ địa phương. “Bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù không dễ dàng nhưng tôi tin rằng, ca trù sẽ từng bước đi vào đời sống đương đại và khẳng định được sức sống mãnh liệt” – nghệ nhân Nguyễn Thị Tam chia sẻ.
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá du lịch
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài.
Nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, Huyện ủy Đan Phượng đã có Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn 2045. Đáng mừng, trên địa bàn huyện đã có hai điểm được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp TP. Đó là điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng.
Ngoài ra, huyện còn phát triển loại hình du lịch tham quan trải nghiệm các mô hình nông nghiệp như mô hình trồng rau sạch, nho hạ đen, hoa lan hồ điệp… Những sản phẩm du lịch này góp phần thu hút du khách đến với Đan Phượng, đồng thời tìm ra hướng đi mới cho kinh tế nông nghiệp công nghệ cao của huyện, giúp gắn kết công cuộc xây dựng nông thôn mới với phát triển công nghiệp văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện có bước tiến mới. Năm 2023, điểm du lịch Khu sinh thái cao cấp Đan Phượng và điểm du lịch văn hóa xã Hạ Mỗ đón hơn 45.900 lượt khách đến tham quan, tăng 208% so với năm 2022.
Đặc biệt, từ ngày 16 đến 19/11/2023, huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Hà Nội tổ chức thành công “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023”.
Qua 4 ngày diễn ra, Festival thu hút sự tham gia của khoảng trên 80.000 lượt khách trong và ngoài huyện tham quan, trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức các giá trị văn hóa. Tổng giá trị sản xuất trong 4 ngày đạt khoảng 20 tỷ đồng. Tổng kinh phí xã hội hoá toàn huyện trị giá gần 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động.
Tại Festival đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như liên hoan và giới thiệu quảng bá ẩm thực huyện Đan Phượng, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể, liên hoan diều truyền thống, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, OCOP của các tỉnh, TP…
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải thông tin thêm, đặc thù của huyện là có hơn 35km đê chạy qua địa bàn, tương đương 70km hai bên taluy đê. Từ thực tế ấy, huyện đã tiến hành cải tạo cảnh quan, kêu gọi xã hội hóa, cộng đồng, người dân vào cuộc xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu, vừa làm đẹp bộ mặt đô thị, nông thôn vừa bảo vệ môi trường.
“Đối với huyện Đan Phượng, chúng tôi xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Cảnh quan sạch đẹp là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với Đan Phượng” – ông Trần Đức Hải chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, năm 2024, huyện tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị, kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá, phát triển du dịch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân. Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng văn hiến, văn minh, giàu đẹp, xanh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành các tiêu chí lên quận đến năm 2025.