Khai thác tối đa lợi thế để thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng Sông Hồng

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Cùng chủ trì có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Cùng chủ trì có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội

Tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TW. Theo đó, Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng Sông Hồng, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao. Trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu T.Ư.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu T.Ư.

Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển

Về một số mục tiêu cụ thể, Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, giai đoạn 2021 – 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thuỷ sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao đông bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Về các vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 30-NQ/TW đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TW tại hội nghị.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TW tại hội nghị.

Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu T.Ư.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu T.Ư.

Hội nghị cũng nghe tham luận của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Quốc phòng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định… Qua tham luận, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định quyết tâm sẽ sớm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội cho phát triển

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt.

Theo Tổng Bí thư, nói đến Vùng đồng bằng sông Hồng là nói đến vùng đất Châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hoá lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc… Do vậy, đây thường được gọi là Vùng "địa linh nhân kiệt", có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhanh và bền vững.

Trên thực tế, Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tỉ trọng đóng góp GDP của Vùng cả nước đạt 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu 3 điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết số 30-NQ/TW, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo; về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Đáng chú ý, Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng.

Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần