Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai trương liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/9/2017, tại Hà Nội, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST, Công ty liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản, đã chính thức khai trương, mở ra nhiều cơ hội mới trên thị trường cho thuê tài chính Việt Nam.

  Lễ khai trương liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam
Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (BSL) là công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa một Ngân hàng thương mại trong nước với một Định chế tài chính nước ngoài, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thành lập và hoạt động số 33/GP-NHNN ngày 12/4/2017. BSL có vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50% và SuMi TRUST sở hữu 49%. BSL hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của công ty cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật. BSL sẽ phát triển sản phẩm cho thuê tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. BSL cũng sẽ kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị để hỗ trợ người sử dụng cuối cùng tìm được máy móc,thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình và có giải pháp tài chính phù hợp thông qua thuê tài chính. Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc BSL cho biết:“Với những bước đi bài bản từ kinh nghiệm quốc tế của SuMi TRUST, cùng với sự am hiểu thị trường trong nước và mạng lưới khách hàng của BIDV, công ty cho thuê tài chính BSL cung cấp các sản phẩm cho thuê tài chính đa dạng, hứa hẹn sẽ đem đến một kênh dẫn vốn trung dài hạn mới cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư thêm máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh”.

Cùng với sự ra đời của BSL, hệ thống BIDV có thêm một sản phẩm tài chính quan trọng để hoàn thiện gói sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng: tín dụng, bảo hiểm, cho thuê tài chính, chứng khoán.

Cũng trong chuỗi sự kiện này, BIDV đã phối hợp cùng đối tác là Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Thuê tài chính – kênh huy động vốn trung dài hạn; kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam”.

Thuê tài chính là một kênh huy động vốn phổ biến trên thế giới. Tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Mỹ, 80% các doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ cho tới các doanh nghiệp lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm cũng vào khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển, thì cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự “ngạc nhiên” với vị thế của cho thuê tài chính tại Việt Nam, bởi họ đã sử dụng dịch vụ này như một “thói quen” tại thị trường các nước phát triển.

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả trình bày các tham luận phân tích kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, tổng quan về thị trường tài chính Việt Nam và xu hướng phát triển trong giai đoạn tới. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP >6,5% giai đoạn 2017-2020; tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư phát triển. Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn (nhất là nguồn vốn trung-dài hạn, trong bối cảnh định hướng hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng, và đặc thù thiếu tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh. Các diễn giả tại tọa đàm đã đưa ra những nhìn nhận mới, khách quan về vai trò của cho thuê tài chính cũng như tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam trong tương lai.