Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá chuyển động của tiểu thuyết Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đặt lên bàn những cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh - tác giả được xem là hiện tượng đáng chú ý của tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, giới làm văn chương Việt muốn từ đó mở ra những cách hiểu mới về diễn ngôn lịch sử và những chuyển động của tư duy tiểu thuyết Việt đương đại.

Cuộc tọa đàm "Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh" tại Viện Văn học Việt Nam sáng 15/10 đã thu hút khá đông người cầm bút và giới nghiên cứu, phê bình văn chương.

Khám phá chuyển động của tiểu thuyết Việt - Ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa”.

Diễn ngôn về lịch sử và văn hóa

Những năm gần đây, sự hiện diện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với ba cuốn "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" đã tạo nên dấu ấn đặc sắc trong bức tranh tiểu thuyết đương đại. Không chỉ nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, sách của ông liên tiếp được tái bản và được độc giả đón nhận. Không ít người đồng tình với nhận định tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là một diễn ngôn về lịch sử và văn hóa, bởi ông không chỉ phục dựng, mà còn chạm đến những khát vọng sâu xa của lịch sử. 

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: "Người đọc có thể tiếp cận Nguyễn Xuân Khánh từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng chắc chắn, ai cũng nhận thấy trong diễn ngôn nghệ thuật của ông những suy tư bất tận về lịch sử và văn hóa. Tính đối thoại, trí tưởng tượng phong phú, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ hưng phế của các triều đại, những va đập của cuộc đời làm xô lệch biết bao số phận cùng cảm hứng hướng thiện đã lay thức ở người đọc những đồng cảm sâu sắc".

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng tìm thấy trong văn chương Nguyễn Xuân Khánh điều "đáng giá": "Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử "Hồ Quý Ly", có hai nhân vật hư cấu rất đạt là nhà viết sử Sử Văn Hoa và cô gái tài sắc Thanh Mai. Dù là nhân vật hư cấu, nhưng nó có đời sống sinh động khiến người đọc hồi hộp theo dõi. Nguyễn Xuân Khánh đã viết tiểu thuyết lịch sử này mà không hề thoát ly chính sử, nhưng cũng không ràng buộc bởi chính sử". Làm được điều đó là bởi "Nguyễn Xuân Khánh có kiến thức lịch sử uyên bác và chắc chắn. Ông không chỉ tái hiện bức tranh một thời kỳ lịch sử sôi động, thông qua những con người, những nhân vật lịch sử thành các hình tượng nghệ thuật đầy sức mỹ cảm, mà còn cung cấp những kiến thức lịch sử mới mẻ, chính xác hơn bất kỳ công trình lịch sử nào viết về thời kỳ sôi bỏng ấy" - TS Thái Phan Vàng Anh, giảng viên ĐH Sư phạm Huế.

Cách tân nghệ thuật

Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cái mới mẻ về tư duy nghệ thuật. Nhà phê bình văn học Lã Nguyên chia sẻ, đọc tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa", thấy những cách tân nghệ thuật vừa mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân, vừa thể hiện xu hướng vận động của văn học thời đại. Nguyễn Xuân Khánh đã đổi mới nguyên tắc truyện kể theo xu hướng tiểu thuyết hoá. Đây là tiến bộ nghệ thuật quan trọng bậc nhất của văn xuôi Việt Nam sau 1975. Cũng phải nói rằng, sự đổi mới của Nguyễn Xuân Khánh luôn gắn với truyền thống chứ không theo lối hậu hiện đại. Nguyên tắc đối thoại trong tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh được phát huy, kéo người đọc vào thế giới của nhà văn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, một số người vẫn băn khoăn với một vài hạn chế trong cách tổ chức tự sự của nhà văn. Ây là ngôn ngữ nhân vật và tổ chức đối thoại chưa thực sự sắc nét, tính luận đề và trường nhìn của tác giả đã hạn chế tính đa thanh của tác phẩm…

Như PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết, hiện tượng Nguyễn Xuân Khánh đặt ra vấn đề sâu hơn là sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, diễn ngôn lịch sử, làm cho tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam phong phú hơn, khiến người ta yêu lịch sử hơn, biết hưởng thụ lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại. Được biết, các ý kiến trong buổi tọa đàm này sẽ được tập hợp lại trong cuốn sách mang tên "Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh".