Khám phá mô hình kinh doanh trầm hương - ẩm thực dưỡng sinh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nằm trong chuỗi các chương trình công tác nghiệp vụ năm 2023, mới đây Hội Nhà báo TP Hà Nội đã tổ chức chương trình thực tế tại doanh nghiệp trầm hương - ẩm thực dưỡng sinh cho nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí của Hà Nội.

Nhân duyên “trầm tuệ”

Trầm tuệ - là tên thương hiệu kinh doanh của Trúc lâm quán tuệ, có trụ sở chính tại thôn Phương Tuệ, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), do ông Hoàng Văn Hưởng một người con Đông Anh sáng lập, là người có nhân duyên với Phật pháp. Đây cũng là khởi nguồn cho hành trình phát triển của thương hiệu Trầm tuệ, với quyết tâm thực hành giáo lý đạo đời kết hợp chánh tu nghiêm cẩn.

Đoàn thực tế các cơ quan báo chí của Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Trúc lâm quán tuệ.
Đoàn thực tế các cơ quan báo chí của Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Trúc lâm quán tuệ.

Ông Hoàng Văn Hưởng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đi khắp nơi tìm kiếm một sản phẩm hương sạch để có thể yên tâm hàng ngày ngồi thiền và lễ Phật. Chứng kiến nhiều người mắc các bệnh viêm đường hô hấp, xoang, phôi... do hít khói hương hóa chất thường xuyên, ông Hưởng đau đáu về việc sản xuất và đưa vào sử dụng hương sạch. Vì vậy, đến tháng 11/2016 sản phẩm hương không hóa chất mang thương hiệu Trầm tuệ được ra đời.

Các nhà báo, phóng viên thăm quan mô hình sản xuất và trưng bày sản phẩm của Trầm tuệ.
Các nhà báo, phóng viên thăm quan mô hình sản xuất và trưng bày sản phẩm của Trầm tuệ.

“Trong bối cảnh thị trường tràn ngập hương hoá chất, Trầm tuệ quyết tâm phải đầu tư vào vùng nguyên liệu, nghiên cứu về giống cây dó bầu cũng như đầu tư vào kỹ thuật và công nghệ tạo trầm tự nhiên” – Giám đốc kinh doanh Trầm tuệ Phạm Văn Ngọc chia sẻ.

Mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế

Cũng theo ông Phạm Văn Ngọc, mô hình kinh doanh của Trầm tuệ tại Trúc lâm quán tuệ là một mô hình sản xuất khép kín, từ xây dựng vùng nuyên liệu đến làm ra sản phẩm thành phẩm. Sau khoảng thời gian 15 năm sinh trưởng, phát triển, cây dó bầu bị tổn thương tiết ra tinh dầu để bảo vệ vết thương và do thân gỗ rất xốp, mềm nên nhựa cây theo thớ gỗ ăn sâu vào lõi gọi là bị nhiễm dầu. Từ đó tùy vào điều kiện tự nhiên khí hậu, thời gian mà hình thành trầm hương.

Ngoài sản xuất hương trầm nguyên chất, Trầm tuệ còn chế tác ra nhiều sản phẩm khác từ trầm hương.
Ngoài sản xuất hương trầm nguyên chất, Trầm tuệ còn chế tác ra nhiều sản phẩm khác từ trầm hương.

Tuy nhiên, do vòng đời sản phẩm từ khi là cây con đến khi đủ tuổi khai thác trầm khoảng 15 năm, tỷ lệ cho trầm là 1% (100kg cây khai thác mới lấy được 1kg trầm), nên việc sản xuất đại trà với số lượng lớn hương trầm nguyên chất là điều rất khó. 

“Mặc dù trải qua nhiều khó khăn trong suốt quãng thời gian hình thành và phát triển nhưng đến nay chúng tôi đã mở được các chi nhánh bán hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Riêng cơ sở chính tại Đông Anh hiện nay có trên 60 cán bộ, công nhân viên đang làm việc, với mức thu nhập ổn định từ 7 – 12 triệu đồng/tháng” - Giám đốc kinh doanh Trầm tuệ Phạm Văn Ngọc cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng phát biểu tại buổi thực tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng phát biểu tại buổi thực tế.

Nằm trong chuỗi các chương trình công tác nghiệp vụ năm 2023 và để thực tế tuyên truyền về mô hình sản xuất sạch, mang ý nghĩa thiết thực với cộng đồng, mới đây, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã tổ chức chương trình thực tế tại doanh nghiệp trầm hương - ẩm thực dưỡng sinh (Trúc lâm quán tuệ) cho trên 20 phóng viên, nhà báo trực thuộc các cơ quan báo chí của Hà Nội. 

Tại Trúc lâm quán tuệ, các nhà báo, phóng viên đã được nghe chia sẻ về việc hình thành trầm hương và mô hình sản xuất hương trầm sạch không hóa chất, cũng như những sản phẩm khác từ trầm hương của doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng cho biết, hiện nay với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế đã gây ra những áp lực lớn về môi trường, biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang tập trung vào nghiên cứu và đưa vào sử dụng những sản phẩm sạch. Việc này được xem là xu thế và cũng là vấn đề cấp thiết để bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người.

“Truyền thống của người Việt là thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trước thực trạng các loại hương nhang hóa chất gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe con người và môi trường sống, mô hình sản xuất hương trầm không hóa chất là hướng đi đúng, theo xu thế của thời đại. Qua chuyến đi thực tế này cũng sẽ giúp cho nhà báo, phóng viên có góc nhìn đa chiều về việc sản xuất hương sạch hiện nay” – nhà báo Kiều Thanh Hùng nói.