Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Tây Ninh

Hồng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những địa điểm nổi tiếng về du lịch sinh thái và du lịch lịch sử, Tây Ninh còn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Bộ nhờ sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc. Mỗi dịp năm mới, Núi Bà Đen lại nô nức du khách trẩy hội xuân, chiêm bái cầu an.

Núi Bà Đen – Huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu

Tây Ninh được xem là vùng đất của tín ngưỡng mà du khách phải ghé đến ít nhất một lần trong đời. Núi Bà Đen thu hút các Phật tử thập phương, bởi những truyền thuyết linh thiêng về Linh Sơn Thánh Mẫu. Núi Bà Đen với quần thể chùa Bà khoảng 300 năm tuổi, gắn liền với vị Linh Sơn Thánh Mẫu được nhân dân trang trọng thờ phụng nơi đây, được coi là trái tim của miền đất này.

Được mệnh danh là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, Bà Đen sở hữu đa dạng điểm đến tâm linh như chùa, am, động, miếu…Ảnh: Hà Nam
Được mệnh danh là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, Bà Đen sở hữu đa dạng điểm đến tâm linh như chùa, am, động, miếu…Ảnh: Hà Nam

Nằm giữa đồng bằng trù phú, quanh năm mây trắng bao phủ, Núi Bà Đen rất dễ nhận ra ngay cả với những người lần đầu đến Tây Ninh. Nơi đây gồm ba cụm núi: núi Bà, núi Phụng và núi Heo, trong đó núi Bà cao nhất, là nơi đặt cột mốc 986m – được mệnh danh là nóc nhà Nam Bộ, và cụm quần thể chùa Bà nằm ở lưng chừng núi. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng.

Không chỉ là biểu tượng của sự chinh phục, đây còn được coi là mảnh đất linh thiêng hàng đầu tại miền Nam Việt Nam. Mỗi năm, hội Xuân núi Bà Đen hay Lễ vía Bà lại thu hút hàng triệu lượt khách.

Trước đây, để khám phá núi Bà Đen, người ta phải leo bộ đường rừng rất cheo leo, nguy hiểm và mất thời gian. Tuy nhiên, với tuyến cáp treo mới được Sun World BaDen Mountain đưa vào hoạt động đầu năm 2020 cùng các trải nghiệm đặc sắc của khu du lịch này, bất cứ ai cũng có thể chinh phục núi Bà, lễ Bà và tham gia vào các hoạt động thú vị ở nơi được coi là huyền tích của miền biên viễn, là điểm tựa tâm linh của người dân Nam Bộ.

Chùa Thiền Lâm

Nằm ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành với khuôn viên rộng hơn 6.000m2, chùa Thiền Lâm là một trong những ngôi chùa mà du khách không nên bỏ qua trong hành trình khám phá Tây Ninh. Chùa Thiền Lâm, hay còn gọi là chùa Gò Kén, là ngôi chùa có tuổi đời hơn 100 năm, nơi ngự tọa 2 pho tượng Phật khổng lồ: Tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25m đứng trên con rồng cao 7m và tượng Phật nhập niết bàn dài 25m.

Ngôi chùa được xây dựng trên một gò đất cao mọc đầy dây kén. Từ đó, người dân đã gọi chùa Thiền Lâm là chùa Gò Kén và tên gọi đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, dù loài dây kén đã không còn. Ảnh: Internet
Ngôi chùa được xây dựng trên một gò đất cao mọc đầy dây kén. Từ đó, người dân đã gọi chùa Thiền Lâm là chùa Gò Kén và tên gọi đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, dù loài dây kén đã không còn. Ảnh: Internet

Đón du khách, Phật tử bằng không gian xanh mát, chùa Thiền Lâm mang tới cho khách viếng thăm một cảm giác bình yên, tĩnh tại, bởi sự kết hợp hài hòa giữa bầu không khí vừa yên tĩnh, vừa khoáng đạt với những công trình Phật giáo đặc trưng được tạo tác kì công, từ cổng Tam quan, điện thờ Đức Phật Di Lạc, tới vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn, Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng,...

Tòa thánh Tây Ninh

Tây Ninh còn được gọi là vùng đất thánh bởi nơi đây được xem là khởi nguồn của đạo Cao Đài tại Việt Nam, với công trình mang tính biểu tượng - Tòa Thánh Cao Đài. Được xây dựng từ hơn 100 năm trước, Tòa Thánh Cao Đài là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nguy nga tráng lệ, hòa quyện giữa kiến trúc Châu Âu và Châu Á, và cũng là một công trình gần như không chịu ảnh hưởng của thời gian. Bởi cho đến nay, sau hơn 100 năm, từng nét kiến trúc của công trình vẫn còn đó một vẻ đẹp bất biến.

Nếu công trình khác có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động. Ảnh: Internet
Nếu công trình khác có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động. Ảnh: Internet

Hàng năm, Tòa Thánh Tây Ninh đón hàng nghìn du khách, đặc biệt vào hai ngày Đại lễ vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu trì cung. Cùng với quần thể Chùa Bà, thánh thất Cao Đài tại Tây Ninh đã trở thành điểm nhấn du lịch, điểm đến tâm linh hàng đầu Nam Bộ cho đến ngày nay.

Nhiều di tích lịch sử nổi tiếng

Cùng với ba điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên, Tây Ninh còn là điểm đến của nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó phải kể đến Trung ương Cục Miền Nam (ở khu vực rừng Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) - cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cụm tượng tái hiện những hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang. Ảnh: Internet
Cụm tượng tái hiện những hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang. Ảnh: Internet

Ngoài hội trường lớn để hội họp, nhà bếp Hoàng Cầm, nhà ăn tập thể, tại đây còn có một số nhà ở và là nơi làm việc của các vị lãnh đạo Trung ương Cục như: Ông Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng…

Di tích Chiến thắng Tua Hai (ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) cũng là điểm đến nổi tiếng, nơi ghi dấu chiến thắng Tua Hai đã mở màn phong trào đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành mốc đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam.

Du lịch sinh thái hấp dẫn

Tại Tây Ninh còn có các điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn như Hồ Dầu Tiếng – hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam là điểm đến được giới trẻ đặc biệt yêu thích với nhiều trải nghiệm thú vị giữa khung cảnh nên thơ như cắm trại ngắm hoàng hôn và bình minh, chèo thuyền sup, câu cá, khám phá các đảo bằng cano…

Thung lũng Ma Thiên Lãnh được ví von là chốn rừng thiêng huyền bí đất Tây Ninh. Ảnh: Internet
Thung lũng Ma Thiên Lãnh được ví von là chốn rừng thiêng huyền bí đất Tây Ninh. Ảnh: Internet

Cách đó không xa là Ma Thiên Lãnh – thung lũng nằm tiếp giáp giữa ba ngọn núi: Núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo (cùng trong quần thể núi Bà Đen).

Ngoài ra, còn có vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh, với tổng diện tích 18.765 ha, đây là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nên được chọn làm nơi bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý hiếm. 

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát là một trong các vùng chim quan trọng của nước ta và có giá trị đa dạng sinh học cao khi sở hữu quần thể động thực vật phong phú đã trở thành điểm khám phá hấp dẫn hàng đầu Tây Ninh. Ảnh: Internet
Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát là một trong các vùng chim quan trọng của nước ta và có giá trị đa dạng sinh học cao khi sở hữu quần thể động thực vật phong phú đã trở thành điểm khám phá hấp dẫn hàng đầu Tây Ninh. Ảnh: Internet

Nhờ hệ sinh thái đa dạng, loại địa hình phong phú nên du khách đến với vườn Quốc gia Lò Gò có thể lựa chọn tham gia rất nhiều hoạt động hấp dẫn như trekking trong rừng; đạp xe xuyên rừng; cắm trại, picnic tại vòm suối Đa Ha; tham quan vườn Quốc gia Lò Gò bằng thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông… 

Ẩm thực Tây Ninh nức tiếng gần xa

Bánh tráng là món ăn vặt vô cùng nổi tiếng của Tây Ninh, được làm từ loại bánh tráng phơi sương dẻo dai, kết hợp với vị muối ớt thơm ngon đặc biệt làm nên món bánh tráng vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Internet
Bánh tráng là món ăn vặt vô cùng nổi tiếng của Tây Ninh, được làm từ loại bánh tráng phơi sương dẻo dai, kết hợp với vị muối ớt thơm ngon đặc biệt làm nên món bánh tráng vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Internet

Những năm gần đây, du lịch Tây Ninh ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, không chỉ nhờ cảnh sắc tươi đẹp mà còn vô cùng hấp dẫn bởi các món đặc sản độc đáo như: bánh tráng phơi sương; bánh canh Trảng Bàng; bò tơ Tây Ninh; nem bưởi Tây Ninh; Thằn lằn núi Bà Đen; ốc xu núi Bà; muối tôm; mắm chua; thèo lèo Tây Ninh;…

 

Ngày 28/1, khai quang tượng Phật Di Lặc nặng hơn 5.000 tấn trên núi Bà Đen

Lễ khai quang Đại tượng Phật Di Lặc nặng 5.112 tấn bằng sa thạch lớn hàng đầu thế giới sẽ diễn ra ngày 28/1/2024, tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Đây là sự kiện văn hoá tâm linh lớn được tổ chức quy mô nhất từ trước tới nay tại núi Bà Đen.

Đại tượng Phật Di Lặc có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn. Vị trí đặt tượng ở độ cao 900m trên đỉnh núi Bà Đen.

Tượng được tạo hình theo phương thức ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên, theo cảm hứng ruộng bậc thang.

Dự kiến sự kiện sẽ có hơn 500 hòa thượng, tăng ni sư cùng hàng ngàn Phật tử, du khách từ nhiều nơi cùng tham dự. Đồng thời, khoảng 20.000 ngọn đăng cũng sẽ được các Phật tử và du khách viết lời nguyện ước thắp sáng trên đỉnh núi Bà Đen. Đây cũng sẽ là đêm hoa đăng lớn nhất nhất từng được tổ chức trên đỉnh núi thiêng Bà Đen.