Nghề khảm trai có ở Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội (ngày nay) từ rất sớm, khoảng thế kỷ XI - XIII. Ông tổ nghề là Trương Công Thành - một tướng tài đời Lý gây dựng nên. Đến Chuyên Mỹ bây giờ, du khách sẽ phải thán phục những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo của những nghệ nhân làng nghề. Sản phẩm khảm trai rất đang dạng, phong phú, từ những đồ gia dụng và khánh tiết như đĩa, khay khảm hoa quả, chim muông; lọ hoa khảm cá ngũ sắc, bàn cờ; bình phong khảm cảnh vật bốn mùa; tranh khảm các tích trong truyện dân gian; sập khảm cảnh núi non thiên nhiên; tủ khảm các tích truyện, điển cố Trung Quốc...; các loại đồ thờ cúng như tam sơn, bộ hoành phi câu đối, án thư, hòm sắc, ống quyển, bao kiếm, thẻ bài… đến các sản phẩm tùy theo các mẫu mã, thị hiếu trong và ngoài nước như tẩu thuốc lá, cán ba toong, hàng lưu niệm đủ loại… Nhìn vào mỗi sản phẩm người xem sẽ cảm nhận được vẻ óng ánh, rực rỡ của những vỏ ốc, vỏ trai được chọn lựa kỹ lưỡng.
Sản phẩm khảm trai được ra đời sau hàng loạt công đoạn, mà công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Đầu tiên, để có được nguyên liệu tốt nhất, người dân ở Chuyên Mỹ phải thu gom vỏ trai, ốc cỡ lớn từ các vùng trong nước hay nhập khẩu từ Hồng Kông, Singapore… Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ có màu sẫm, trai thịt trắng có vỏ dày, trai có nhiều vân… nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là trai ngọc môi vàng, nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh như sắc cầu vồng. Còn vỏ ốc được lựa từ những con ốc đỏ với màu sắc cực kỳ sang trọng, thường dùng để làm những cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa…
Tiếp theo là công việc của họa sĩ vẽ mẫu cho tranh trên giấy can rồi soi mẫu để vẽ họa tiết ấy lên nguyên liệu vỏ trai, ốc đã được ép phẳng. Trước đây, đề tài khảm thường chọn các tích ở truyện Tam Quốc và các truyện cổ khác như: "Tam cố Thảo Lư", "Văn chương cầu hiền", hay khảm theo mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim hoa, "tứ dân" cảnh - 4 người dân thời cổ. Ngày nay, đề tài khảm lại chọn là các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như Chùa Một Cột, Hạ Long, Huế, Sài Gòn, hay vẽ chân dung… Tiếp đến, người nghệ nhân cưa nguyên liệu theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những mảnh nguyên liệu họa tiết lên đó (công đoạn này gọi là cẩn xà cừ). Để họa tiết có độ bóng ánh lên màu sắc lung linh của vỏ trai, ốc đồng thời tạo linh hồn cho tranh, những tấm tranh gỗ sau khi "cẩn" sẽ được tỉa gọn, đánh bóng (hay còn gọi là mài khảm) rồi vẽ nét. Cuối cùng, người ta dùng bộ sơn đen hoặc đánh véc ni cho bóng để họa tiết nổi lên sống động.
Nhưng chưa có thương hiệu
Khảm trai Chuyên Mỹ đã có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều thăng trầm, nhưng cuối cùng những nghệ nhân làng nghề vẫn giữ và nâng khảm trai lên thành một nghề, đã làm giàu cho hàng nghìn hộ dân. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, khảm trai thu hút tới 95% lao động ở xã Chuyên Mỹ, số hộ khá, hộ giàu trong làng đạt 68%. Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ ngày nay rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản... Mới đây, những nghệ nhân Chuyên Mỹ còn sáng tạo ra các sản phẩm từ cốt nứa để tạo ra các loại chum, lọ, bát, hộp, tráp, đĩa… xuất sang các nước Nam Mỹ, Anh.
Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm là thế giới vẫn rất ít biết đến cái tên khảm trai Chuyên Mỹ. Sỡ dĩ vậy vì đến thời điểm này, làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Theo ông Trần Bá Dinh, một nghệ nhân khảm trai lớn tuổi và nổi tiếng ở Chuyên Mỹ, mặc dù so với nhiều làng nghề khác đang khó khăn vì đầu ra, khảm trai của Chuyên Mỹ có thị trường rất thuận lợi. Nhưng hầu hết sản phẩm đều bán cho thương lái với giá rẻ, vì những người làm nghề đều ít vốn và thiếu kiến thức, am hiểu về thị trường. Theo các cơ sở sản xuất ở Chuyên Mỹ, sản phẩm làm ra xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, sau đó từ Trung Quốc họ xuất đi nhiều nước khác trên thế giới với giá cao hơn gấp khoảng 4 lần so với giá ban đầu. Và tất nhiên, thị trường sẽ biết đến các sản phẩm khảm trai ấy như những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, sự cạnh tranh không lành mạnh tại chính các cơ sở sản xuất trong làng nghề thông qua việc "ăn cắp" mẫu mã của nhau cũng khiến các sản phẩm của làng nghề thiếu tính sáng tạo, không tạo được nét riêng.
Việc không xây dựng được thương hiệu làng nghề dẫn đến những khó khăn hoặc thiệt thòi về giá trị sản phẩm, về lợi ích kinh tế là một thực trạng chung của hầu hết làng nghề Việt Nam. Có nhiều lý do, khó khăn nhưng trở ngại lớn nhất chính là sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề, và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu làng nghề. Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề cho rằng, các làng nghề hiện nay đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 - 12 triệu lao động. Vì thế, quan tâm xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết, giúp người dân có thể dựa vào đó mà làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Và để xây dựng được thương hiệu làng nghề, ngoài việc "tự thân vận động", Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới nâng cao được giá trị xuất khẩu.
Sản phẩm khảm trai của các nghệ nhân làng Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội)
Nhận thức được ý nghĩa đó, những năm gần đây, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN, Sở Công Thương Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các chương trình khuyến công, trong đó chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề. Nhiều hội chợ, triển lãm đã được tổ chức trong nước hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp làng nghề tăng cường quảng bá các sản phẩm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác… Đồng thời, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN, đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề; các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; tổ chức các mô hình trình diễn; hỗ trợ đầu tư công nghệ… Với những nỗ lực đó, hy vọng trong tương lai gần, khảm trai Chuyên Mỹ cũng như hơn 1.300 làng nghề ở Hà Nội sẽ được thế giới biết đến, là thương hiệu của những sản phẩm tinh xảo chứ không phải chỉ là nơi sản xuất ra sản phẩm ấy.