Bên cạnh những lời khen dành cho diễn xuất xuất sắc của Lan Phương (vai Khánh) thì không ít ý kiến không hài lòng khi đẩy nhận vật vào bi kịch không lối thoát.
Khánh quá đau đớn, bất lực trước những bi kịch mà mình gặp phải |
Tối 17/5, tập 20 bộ phim "Thương ngày nắng về" lên sóng thu hút sự chú ý của khán giả về câu chuyện gia đình Khánh - Đức. Khi những mâu thuẫn cùng mẹ chồng và chị chồng chưa được giải quyết, thì tập phim có thêm những tình tiết hấp dẫn, kịch tính khi Khánh bị chị chồng gài bẫy để người tình cưỡng bức trong khách sạn rồi gọi mọi người đến bắt gian.
Sau đó, Khánh bị mẹ chồng và chị chồng chì chiết không tiếc lời, đau khổ hơn khi Đức - chồng cô không tin lời vợ. Đau đớn, tủi nhục, Khánh cầu cứu em gái Vân Trang. Những câu thoại của Khánh khi nói với em gái "Trang ơi, đến cứu chị Trang ơi" cho thấy sự bất lực đến tận cùng của người phụ nữ bị oan ức trong khi không thể giải thích cho sự trong sạch của mình.
Mặc Khánh cố gắng thanh minh, thậm chí có tờ kết quả xét nghiệm chứng minh mình bị đánh thuốc mê nhưng Đức không tin. Anh ta xé tờ kết quả và buông 1 câu "Tôi mệt rồi!" và bỏ đi.
Lúc Khánh đứng trong nhà tắm, soi mình trong gương, ôm lấy bản thân thể hiện sự tuyệt vọng nhận được sự đồng cảm của rất nhiều khán giả.
Chồng không tin lời vợ càng khiến Khánh đau đớn hơn |
Bên cạnh nhiều ý kiến dành lời khen cho diễn xuất xuất sắc của Lan Phương thì không ít người cho rằng những biến cố của Khánh trong bộ phim, đặc biệt là cảnh bị cưỡng bức trong khách sạn khiến khán giả khó chấp nhận vì bi kịch bị đẩy lên đỉnh điểm.
Trên mạng xã hội, nhiều bình luận cho rằng biên kịch quá tay, "ác với Khánh quá", "phim càng ngày càng phi lý”, “phim gì mà xây dựng hình ảnh mẹ chồng, chị chồng kinh khủng như thế?”, “đi làm đã mệt rồi, bật ti vi lên xem mà ức chế, chỉ muốn đập ti vi”,…
Trước những tranh cãi của khán giả, Nguyễn Thủy - một trong những biên kịch của bộ phim đã lên tiếng. Chị cho biết: "Trong mười mấy năm làm nghề, mình không có nhiều những thời điểm lo lắng đến thế, khi một tập phim phát sóng. Vì mình biết kịch bản thế nào, vì đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân mình, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kì xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực… Cho dù chúng mình có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả?".
Nữ biên kịch cũng tâm sự khi cùng nhóm biên kịch bàn về tình huống của Khánh, mọi người đều khựng lại vì thương quá. Thậm chí chính cô còn bật khóc, cả đêm trằn trọc suy nghĩ vì cuộc đời của nhân vật mà chính mình gây dựng.
Tuy nhiên, Nguyễn Thủy quan điểm phải “làm đến nơi đến chốn”, khai thác sức mạnh của sự tuyệt vọng, chỉ khi đi đến đường cùng nhân vật mới đứng dậy làm lại cuộc đời và nhận được thành quả xứng đáng. "Khánh chưa bao giờ là người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy đầy vấn đề, đầy thiếu sót, luôn loay hoay với việc sắp xếp cuộc đời mình. Nhưng có một thứ cô ấy trọn vẹn và đẹp đẽ là tình yêu thương với 2 đứa con, là ước ao cho chúng một sự đủ đầy thương yêu nhất.
Trường đoạn dài về số phận Khánh, là trường đoạn nhóm biên kịch đã viết rất cảm xúc. Đó là những đoạn dài, nặng nề uất ức, và khi làm về giai đoạn này, bản thân mình cũng nặng lòng, có lúc muốn phát điên. Khi Khánh bị oan ức, khi Khánh ly hôn, khi Khánh thấm thía hậu ly hôn, khi cô ấy ngẩng lên trời và gào lên: “Ông trời, ông có mắt không! Nếu như ông có mắt thì mắt ông bị mù rồi…”, nữ biên kịch cho biết.
Biên kịch Nguyễn Thủy cũng cho biết, cả nhóm đã lường trước được phản ứng của khán giả và luôn đón nhận cả những phẫn nộ, chỉ trích, đồng cảm, góp ý. Nhưng biên kịch Nguyễn Thủy mong muốn mọi người có sự đánh giá khách quan và kiên nhẫn để theo dõi bộ phim cho đến khi Khánh làm lại cuộc đời.
"Đây là dự án dài hơi nhất của mình, cũng như ê-kíp, và hành trình của bà Nga béo cùng những đứa con sẽ còn nhiều thử thách. Nhưng như một câu hát “Qua dầm dề mưa tuyết, mới thương ngày nắng về”, mình hy vọng những sóng gió đến với câu chuyện và nhân vật của chúng mình, chỉ là những phản chiếu cụ thể để từ đó, ta biết trân trọng hơn những yêu thương, yên bình trong cuộc sống", biên kịch Nguyễn Thủy bày tỏ.
Bên dưới bài viết của Nguyễn Thủy, nhiều người bày tỏ sự cảm thông với nhóm biên kịch. Lan Phương - người đóng vai Khánh chia sẻ: "Cảm ơn cậu vì đã tạo ra những vết thương cần thiết này để Khánh được mạnh mẽ hơn để sắp xếp lại toàn bộ cuộc đời của mình và cũng để cả Khánh và Phương trưởng thành hơn", "Ứa nước mắt vì câu này "Khánh chưa bao giờ là người phụ nữ hoàn hảo. Nhưng có 1 thứ cô ấy trọn vẹn và đẹp đẽ là tình yêu thương với 2 đứa con, là ước ao cho chúng một sự đủ đầy thương yêu nhất".
Chia sẻ với PL&XH, Lan Phương cũng cho biết: “Khi mới đọc kịch bản, Phương cảm thấy cuộc đời Khánh có quá nhiều bi thương. Khi đó, Phương cũng nghĩ không biết có cần nhiều bi kịch như thế không. Nhân vật khóc nhiều có thể sẽ khiến khán giả xem cũng thấy mệt. Tuy nhiên, khi nhân vật khóc thì mình cũng khóc thôi.
Càng đóng, Phương càng thương Khánh hơn. Đó là khi mình sống cùng nhân vật. Cũng giống như ngoài đời, khi gặp chuyện gì đó, phụ nữ chúng ta thường muốn khóc để giải tỏa những nỗi đau trong lòng, sau đó sẽ bình tĩnh, sáng suốt để giải quyết vấn đề mà mình gặp phải. Những tập tiếp theo, Khánh sẽ phải cố gắng rất nhiều để thoát ra những nỗi đau mà mình phải chịu để mang những điều tốt đẹp đến với các con và bản thân”.