Luôn thừa chỉ tiêu PGS-TS sử học Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) TP.HCM - thông tin: “Trong khi thực tế rất cần người có trình độ cao cho công tác nghiên cứu thì một số ngành chuyên môn hẹp thuộc khối KHXH-NV không thu hút được người học bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Chẳng hạn chuyên ngành khảo cổ học mỗi năm chỉ có một vài người đăng ký dự thi cao học. Năm này cũng đậu chỉ một người. Chuyên ngành lịch sử thế giới cũng không khá hơn. Tương tự, ngành địa lý (môi trường) cũng khan hiếm học viên”. Bậc cao học của nhiều ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM mỗi lúc càng đìu hiu khi người dự thi đã ít mà tìm người trúng tuyển càng khó hơn. Kết quả thi tuyển cao học đợt 1 năm 2011 ngành cơ học vật thể rắn chỉ có 4 người dự thi nhưng không ai trúng tuyển; vật lý lý thuyết và vật lý toán có 15 người dự thi thì chỉ 4 người trúng tuyển trong khi chỉ tiêu là 25; đại số và lý thuyết số chỉ tiêu 25 nhưng chỉ 10 người đậu, ngành vật lý vô tuyến và điện tử - kỹ thuật chỉ 3 người trúng tuyển… Căn cứ vào chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao cho trường đào tạo, có thể thấy trên thực tế xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực trình độ cao cho những ngành cơ bản nhưng người học lại không quan tâm, vì vậy nhiều năm nay hầu như những ngành này không tuyển đủ chỉ tiêu. TS Lê Trung Chơn - Trưởng phòng Sau ĐH Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết, hằng năm trường thu hút khoảng 3.000 học viên đăng ký dự thi cao học, chủ yếu tập trung vào những ngành quản trị kinh doanh, công nghệ quản lý dự án xây dựng, máy tính… Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng nhận tới 7.000 - 8.000 hồ sơ dự thi vào các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, thương mại du lịch…
Nền tảng phát triển khoa học ứng dụng Sự phát triển mất cân đối này có khuynh hướng “thấp hóa”. Nghĩa là dần dần ngay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh cũng tập trung đăng ký dự thi vào các ngành kinh tế hay công nghệ thời thượng, ít quan tâm đến ngành cơ bản. “Thời điểm này mấy ai thích chuyên sâu về văn học cổ hay làm nhà khảo cổ nữa, chỉ trừ làm việc trong viện nghiên cứu. Ngành nào khả thi trong đầu ra thì sẽ dễ thu hút hơn”, bà Hà Minh Thu - Phó phòng Sau ĐH Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM - lý giải cho hiện tượng này. Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó phòng Sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng: “Nhu cầu xã hội lớn dẫn đến nhu cầu của người học lớn. Đó là lý do vì sao các ngành về kinh tế, xây dựng luôn hút người học thạc sĩ, tiến sĩ”. Nguyên lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội khẳng định: “Khoa học cơ bản dù không phục vụ thực tiễn ngay nhưng đất nước muốn phát triển thì không thể bỏ qua, vì khoa học cơ bản đẻ ra khoa học ứng dụng. Ví dụ, công nghệ sinh học muốn đạt được tầm cao mà không chú ý tới hóa học thì không làm được. Để khoa học ứng dụng phát triển thì khoa học cơ bản phải phát triển”. Vì lẽ này, dù khó khăn, dù phải bù lỗ khi đào tạo, nhiều trường vẫn phải duy trì bậc sau ĐH ở những ngành khó tuyển. TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: “Các trường ĐH được giao nhiệm vụ đào tạo những ngành như văn học cổ, khảo cổ học, Hán nôm, lịch sử, toán học, vật lý lý thuyết... Trường ĐH Khoa học tự nhiên, KHXH-NV cũng gặp khó khăn rất nhiều trong việc tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, nhận thức được nhiệm vụ của mình, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường thành viên vẫn nỗ lực hết sức để duy trì đào tạo những ngành “quý hiếm” đó bằng chủ trương chính sách và cả bằng san sẻ kinh phí đào tạo từ những nguồn thu khác để bù đắp”. PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương - Phó trưởng phòng Sau ĐH Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - nhận định: “Có khá nhiều chuyên ngành như sinh học, toán học đại số và lý thuyết số, vật lý lý thuyết… không có người học nhưng vẫn duy trì và phải bù lỗ. Những ngành đó dù người học không cần nhưng chúng tôi cần để phát triển khoa học toàn diện, để tạo nguồn giảng viên cho trường và cho cả các trường khác, nếu không sau này sẽ không còn người dạy. Nếu đóng ngành vật lý lý thuyết thì chúng ta vĩnh viễn chỉ là người ứng dụng phát kiến của người khác chứ ta không phát triển được”. Lãnh đạo của nhiều trường có ngành KHXH cũng cho rằng phải luôn tự thấy sứ mệnh lịch sử của mình là đào tạo ra lực lượng trình độ cao để phục vụ sự nghiệp chung của đất nước. Vì vậy không cần trông đợi vào cơ chế chính sách, các trường cũng phải đào tạo.
Cần những chính sách đồng bộ “Một đất nước muốn phát triển vững bền thì phải đào tạo song song nguồn nhân lực cho cả các ngành kinh tế, công nghệ tiên tiến lẫn nền khoa học cơ bản. Muốn như vậy, nỗ lực từ các trường ĐH vẫn chưa đủ mà cần có chính sách đồng bộ từ cấp chính phủ (ngạch và hệ số lương cho những ngành đặc thù) đến các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nguồn lực đào tạo từ nhóm ngành khó tuyển này (hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo, đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng đề tài nghiên cứu). - TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) Đào tạo kiểu được đâu hay đó “Những ngành KHXH-NV vẫn có nhu cầu nhân lực cao nhưng hiện không có cơ quan nào đứng ra điều tra, nghiên cứu để đưa ra những con số cụ thể và định hướng xã hội. Vì thế việc đào tạo ở cả bậc ĐH lẫn cao học rất mông lung, được đâu hay đó, có thể thừa mà cũng có thể thiếu”. PGS-TS HÀ MINH HỒNG (Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) Điều kiện thi tuyển khó khăn “Việc siết chặt công tác thi tuyển bậc cao học và nghiên cứu sinh ở các ngành khoa học cơ bản cũng khiến ít người đăng ký thi hoặc có đăng ký thì cũng rất khó để đậu. Chẳng hạn môn toán, muốn làm tiến sĩ phải có 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín, đây là một yêu cầu khó không phải ai cũng thực hiện được”. - GS-TS ĐẶNG ĐỨC TRỌNG (Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) |