Sẽ xử lý nghiêm đầu cơ, găm hàng
Theo ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thời gian qua còn hạn chế, xảy ra tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chưa đảm bảo nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo lưu thông, ổn định thị trường xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014;
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu để trục lợi; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa hàng bán lẻ, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt chặt chẽ tình hình nguồn cung ứng, lưu thông xăng dầu kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Công Thương để nắm, chỉ đạo đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn ổn định, thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm, ngay từ trước lễ 2/9, Thanh tra Sở Công thương đã phối hợp với các Đội Quản lý thị trường, UBND huyện, TP Cà Mau duy trì việc kiểm tra giám sát hàng ngày đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên toàn địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh có 9 cửa hàng hết xăng, dầu cục bộ trong thời gian nhất định do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cấp xăng dầu chưa kịp thời hoặc không có xăng dầu.
Khan hiếm cục bộ dầu D.O
Những ngày qua, do các thương nhân phân phối không đủ nguồn cung, xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chủ yếu là lượng dầu phục vụ nhu cầu người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đô, tình hình chung cả nước, Cà Mau hiện thiếu cục bộ với số lượng ít, chủ yếu là dầu. Sau kỳ điều chỉnh ngày 22/8, giá dầu thế giới tăng cao. Khi đó, giá nhập về cao hơn giá bán ra, nên một số đơn vị kinh doanh không đủ tài chính để nhập hàng.
Ghi nhận của phóng viên, từ cuối tháng 8/2022, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng đến nay nguồn cung vẫn khan hiếm ở một số nơi, nhất là dầu D.O. Điều này ảnh hưởng lớn việc đến ngư dân ra khơi bám biển. Đơn cử như tại cửa biển Hố Gùi, giáp ranh giữa huyện Năm Căn và Đầm Dơi, nhiều ghe đánh bắt của ngư dân phải nằm bờ chờ dầu.
Theo ông Nguyễn Gal Sel - Trưởng ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi), ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt trong ngày. Mỗi chuyến phải cần đến 400 - 500 lít dầu D.O/ngày. Ở đây chỉ có 3 cửa hàng bán xăng dầu, nhưng có 2 cửa hàng đã hết. Cửa hàng còn lại chỉ bán tối đa 100 - 150 lít/ ngày nên ngư dân khó khăn không thể ra khơi.
Tại Thới Bình, cũng xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung dầu D.O. Việc thiếu dầu hoặc có nhưng giá tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hoạch lúa và cày xới đất cho vụ kế tiếp của nông dân.
Tại huyện Sông Đốc, một số chủ cửa hàng không dám nhận đặt cọc của chủ tàu vì lo không đủ nguồn cung cấp, khiến chủ tàu không dám ra khơi.
Ông Lê Hoàng Quân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Những ngày gần đây, trên địa bàn thị trấn cũng có một số cửa hàng xăng, dầu đóng cửa. Các đơn vị kinh doanh cho rằng nguyên nhân thiếu nguồn cung. Sau khi làm việc với chủ các cửa hàng, hầu hết đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nếu tình hình thiếu cục bộ này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chuyến biển sau”.