Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là lúc ngành chức năng vào cuộc đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường.
Giá xăng lập đỉnh tiến sát mốc 30.000 đồng/lít đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng theo trong những ngày qua. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?
- Mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định, do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng với nhà cung cấp.
Trường hợp tăng giá bất hợp lý thường xảy ra ở chợ truyền thống, chợ dân sinh do không có hợp đồng liên kết. Và như tôi được biết, dự kiến đầu quý II/2022, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và lúc đó các siêu thị mới buộc phải tăng giá từ 5 - 7%.
Ông có thể phân tích rõ hơn về sự bất hợp lý của việc tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu?
- Tôi khẳng định giá xăng tăng mạnh nhưng tác động của nó tới giá hàng hóa tiêu dùng, chỉ số CPI thực tế không nhanh và lớn như vậy. Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá tới 50%, thậm chí là hơn là mức tăng quá nhiều. Điều này không loại trừ việc người bán “té nước theo mưa” tăng giá theo giá xăng.
Điều đáng nói là, trong khi sức mua của người dân không cao, hàng hóa đang rất dồi dào, không hề khan hiếm mà lại tăng “sốc” và liên tục như vậy là điều cần xem xét lại. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp để ổn định thị trường, hỗ trợ người dân trong bối cảnh kích thích tiêu dùng, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay?
- Nếu giá hàng hóa tăng quá cao sẽ khiến khách hàng càng thắt chặt chi tiêu, thậm chí không tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, DN bán lẻ cần linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian qua đó giữ giá bán sản phẩm, giữ chân người tiêu dùng.
Mặt khác, DN cần liên tục đàm phán hàng ngày với các đối tác để đề xuất mức giá tốt nhất cho khách hàng và đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng; song song đó là triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mãi nhiều sản phẩm nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống...
Về phía Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu giảm xuống. Sở Công Thương các tỉnh, TP cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người. Với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá bất hợp lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!