Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão Nalgae đang ở trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Dự báo trong những giờ tới, bão Nalgae tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi khoảng 15-20km/h và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7. Sức gió mạnh vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, từ ngày và đêm 29/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4,5m. Từ ngày 29-31/10, mực nước triều tại khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi duy trì ở mức cao. Độ cao sóng trong 3-5 ngày tới duy trì ở mức 2-4m.
Do mưa lớn những ngày qua nên tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ đang có lần lượt 1.319 và 298 hồ chứa thủy lợi đầy nước. Đối với hồ chứa thủy điện, các khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có lần lượt có 3 hồ, 13 hồ và 8 hồ phải vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả từ 8 - 100 m3/s.
Từ ngày 29-30/10, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,2-4,3m. Mực nước triều ở mức cao tại khu vực ven biển Nam Bộ duy trì trong khoảng từ 1-4 giờ và từ 13-17 giờ. Tại các khu vực trong đất liền đỉnh triều sẽ xuất hiện trễ hơn 1-3 giờ, tùy thuộc từng khu vực.
Trước diễn biến còn phức tạp của bão Nalgae, sáng nay (29/10), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 37 đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đến sáng nay (29/10), 12/18 tỉnh, TP ven biển đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó với bão Nalgae theo chỉ đạo của Trung ương. Hiện, đang theo dõi diễn biến của bão, gió mạnh trên biển; thông tin đến tổ chức, tàu thuyền đang hoạt động trên biển và người dân để chủ động ứng phó, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương cũng đang tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão. Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Trong công điện phát đi sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị Bộ TN&MT tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.