Khẩn trương xử lý nợ xấu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập trung xử lý nợ xấu, cam kết đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và cổ đông - đó là những khẳng định đã được lãnh đạo ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đưa ra tại buổi họp báo công bố hoàn tất thương vụ sáp nhập giữa SHB và Habubank sáng 9/8.

“Cứu” Bianfishco để thu hồi nợ

Nội dung được quan tâm tại buổi họp báo là các khoản nợ xấu của Habubank sẽ được ngân hàng sau sáp nhập xử lý như thế nào.

"Habubank sáp nhập vào SHB chứ không phải hợp nhất nên không có chuyện phải tổ chức đại hội cổ đông bầu lại thành viên HĐQT. Bởi vậy, HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung sau." - Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB

Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Sau khi sáp nhập Habubank và SHB, tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới 10%, còn 8,69%. 

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, ngay khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý về nguyên tắc, SHB đã cử người sang tham gia lãnh đạo để cùng giải quyết các vấn đề về thanh khoản và xử lý nợ cho Habubank. Lãnh đạo SHB cam kết đưa nợ quá hạn của Habubank xuống dưới 10% đến ngày 31/12/2012.

Với các "con nợ lớn" của Habubank như Vinashin, Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco)…, ngân hàng đã có kế hoạch chi tiết để xử lý. Các biện pháp xử lý nợ cụ thể như: Cơ cấu lại nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp, thanh lý tài sản đảm bảo, cho vay tiếp nếu còn nhìn thấy tiềm năng…

Trường hợp Công ty Thủy sản Bình An, theo cam kết giữa ba bên SHB, BIDV, VDB; khi thỏa thuận có hiệu lực, SHB là cổ đông trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Bianfishco với tỷ lệ chiếm giữ 25 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn điều lệ của Bianfishco) sẽ thay thế phần vốn của bà Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Tổng Giám đốc công ty trước đây.

Ông Hiển cho rằng, SHB đầu tư vào Bianfishco trước hết vì ngân hàng này nhìn thấy những lợi thế của công ty này. "Bianfishco là doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, 5.000 nhân viên, có thị trường đầu ra tốt, có giấy phép xuất khẩu thủy sản vào Mỹ do Chính phủ Mỹ cấp… đó là những lợi thế mà không phải công ty nào cũng có được. Nếu Bình An tiếp tục hoạt động và sống khỏe, hàng ngàn công nhân tiếp tục được tạo công ăn việc làm, nông dân cũng đỡ bớt mối lo nợ khó đòi, ngành thủy sản nói chung cũng có những bước phát triển. Mục đích SHB tham gia vào Bianfishco vừa để tái cấu trúc doanh nghiệp, vừa để thu hồi vốn đầu tư mà Habubank đã rót vào doanh nghiệp này" - ông Hiển nói. 
Khẩn trương xử lý nợ xấu - Ảnh 1
 
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu buổi họp báo công bố quyết định sáp nhập Habubank vào SHB. Ảnh: Trần Việt

Tương tự, một số khoản cho vay của Vinashin cũng sẽ phải tái cấu trúc như Bianfishco. Một số doanh nghiệp thuộc Vinashin có tài sản đảm bảo, cụ thể là tàu, SHB sẽ tái cấu trúc đầu ra, đưa ra phương án xử lý đối với tài sản đảm bảo.

“Theo sát” người gửi tiền

Nguyên nhân thua lỗ của Habubank theo Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa là do ngân hàng này tập trung quá nhiều tín dụng, đầu tư vào một số khách hàng lớn, vào một số ngành, lĩnh vực tương đối rủi ro và chịu tác động lớn từ biến động của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn có nhiều tác động bất lợi cả bên trong và ngoài 2008 - 2010. 50 khách hàng có nợ lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng dư nợ của Habubank. Ngoài ra, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của HBB cũng đã không lường trước và đánh giá đúng về những rủi ro tiềm ẩn. 

"Từ góc độ thanh tra, giám sát ngân hàng, nếu chúng tôi không nhận diện được, không theo dõi giám sát chặt chẽ trong thời gian dài thì không thể nắm bắt, khoanh vùng và đưa Habubank vào trong diện tái cơ cấu ngay loạt đầu tiên"- ông Nghĩa nói. Vị đại diện lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, NHNN luôn theo dõi sát tất cả các ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống cũng như người gửi tiền. 

Về phía SHB, lãnh đạo ngân hàng này cam kết đảm bảo lợi ích và quyền lợi của người gửi tiền cũng như cổ đông. Theo đó, cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu của HBB được hoán đổi nhận 0,75 cổ phiếu của SHB và cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu của SHB được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB. 

Hiện, Habubank có tổng cộng 90 điểm giao dịch, chi nhánh, quỹ tiết kiệm. Giai đoạn đầu, SHB dự kiến chi 2,1 tỷ đồng để thay đổi biển hiệu của Habubank. 

Ngân hàng SHB sau sáp nhập có hệ số an toàn vốn trên chủ sở hữu là 11,39%, cao hơn mức 9% theo chuẩn quốc tế.

Như vậy, sau hơn 7 tháng tìm hiểu và 3 tháng triển khai sáp nhập, thương vụ SHB - Habubank đã hoàn tất và được đánh giá là thành công, rút ngắn được chi phí và thời gian trong chiến lược phát triển của SHB.


Lộ trình hoán đổi và niêm yết cổ phiếu HBB và SHB

- Ngày 18/7/2012: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành cổ phiếu cho SHB với mục đích hoán đổi cổ phiếu của HBB
 
- Ngày 17/8: Hủy niêm yết cổ phiếu HBB
 
- Ngày 21/8: Chốt danh sách cổ đông SHB và HBB
 
- Từ ngày 24/8 - 28/8: Thực hiện hoán đổi cổ phiếu/phát hành thêm cổ phiếu
 
- Ngày 20/9: Dự kiến chính thức niêm yết bổ sung cổ phiếu SHB.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần