Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định bản lĩnh của Đảng cầm quyền

Quỳnh Hoa ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân năm nay, chúng ta kỷ niệm 90 năm ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020). Để có một cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng luôn thể hiện bản lĩnh của mình trong lãnh đạo, soi sáng con đường cách mạng đã kiên định, lựa chọn.

 GS-TSKH Vũ Minh Giang
Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, GS-TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại một chặng đường lịch sử, nhất là các cột mốc quan trọng để rút ra những bài học thực tiễn luôn luôn cần thiết. Cùng với những kết quả đạt được, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng xây dựng và chỉnh đốn để hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đáp ứng được kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân.
Là nhà sử học, theo ông, 90 năm thành lập Đảng có ý nghĩa như thế nào trong chiều dài lịch sử Việt Nam?
- 90 năm qua, tôi tạm chia ra 4 mốc lớn, mỗi mốc trùng khít với 30 năm. Thứ nhất đương nhiên là Ngày thành lập Đảng (3/2/1930), để sau 15 năm Đảng đã lãnh đạo dân tộc giành được chính quyền (1945), đã khẳng định uy tín và vai trò lãnh đạo của mình đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thứ hai là sự kiện Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, lần đầu tiên Đảng tổ chức Đại hội của mình trong điều kiện hòa bình và mới có thời gian nghĩ tới chuyện phát triển đất nước, còn trước đó tất cả tâm sức dành vào việc giành chính quyền, chống ngoại xâm.
Một đảng chính trị không phải sinh ra, hoạt động chỉ chống ngoại xâm mà cái quan trọng nhất là đưa dân tộc tới một đỉnh cao. Chính vì vậy, mốc thứ hai là chúng ta tiếp tục sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đồng thời xây dựng CNXH ở miền Bắc. Từ 1960 - 1990 là giai đoạn đầy chông gai, thử thách. Chúng ta vượt qua khó khăn vô cùng hiểm nghèo. Rất nhiều thành tựu thời gian này giúp Đảng trưởng thành.
Và tôi lấy mốc 1990 vì sau đó chúng ta không còn phe XHCN nữa, đến đây ta phải khẳng định Đảng đủ năng lực dẫn dắt dân tộc, đất nước đi lên, hội nhập với quốc tế. Và từ đó tới nay (30 năm), rõ ràng vai trò và vị thế quốc tế của Đảng ngày càng lớn mạnh. Rất mừng chúng ta được biết năm 2020, lần thứ 2 Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Nhìn lại 90 năm tôi quan tâm nhiều hơn thành tựu đạt được của cả dân tộc mà ở đó Đảng đóng vai trò quyết định hơn là con số 90 hay bao nhiêu năm.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa
Trong 90 năm qua, có nhiều cột mốc quan trọng cho thấy vai trò tầm vóc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc mở đường và dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Trong những “dấu ấn vinh quang” của Đảng, không thể không nhắc tới Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) - Đại hội bước ngoặt để đưa đất nước bước sang một thời kỳ mới. Nhìn lại lịch sử, “Đổi mới” để lại cho chúng ta những bài học gì?
- Nói đến “Đổi mới” có lẽ ta đã có tổng kết 30 năm, cũng có khá nhiều bài viết, công tình nghiên cứu. Riêng tôi muốn suy lắng một chút để nghĩ ra tổng kết cho riêng mình. Tất cả những gì nghiên cứu và công bố đã rất khoa học và chính xác, nhưng cốt lõi của thành công ở tư tưởng rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi quyết định đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin và sau đó là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy lợi ích của dân tộc làm đích lớn nhất. Chủ nghĩa nhiều, cái nào cũng có sự hợp lý của nó nhưng cuối cùng lý thuyết nào, chủ nghĩa nào có lợi cho dân tộc Việt Nam thì ta phải theo tư tưởng đó để đưa cách mạng đi lên.
Cùng với đó, Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, thần thái văn hóa Việt Nam giúp dân tộc vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo. Theo tôi nghĩ, với tư cách nghiên cứu có 2 điều quan trọng: Đó là ý chí độc lập dân tộc nên không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập dân tộc thôi thúc tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Khả năng linh hoạt mềm dẻo của dân tộc ở địa chiến lược luôn luôn phải đối phó với khó khăn, thiên tai địch. Những tố chất này cũng là những tố chất tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đổi mới. Nói đến “Đổi mới” cũng bắt đầu từ sự trăn trở trước vận mệnh dân tộc, trước nguy cơ sụp đổ, trước khó khăn của người dân.
Thực tế, nếu chúng ta cứng nhắc thì chắc chúng ta cũng sụp đổ rồi. Không có sự linh hoạt, quyền biến trong điều hành thì làm sao vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ lúc đó, ở đâu đó trên thế giới, họ đang chờ ngày Việt Nam sụp đổ. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
 Khối Hồng Kỳ trong dịp Kỷ niệm Quốc Khánh 2/9
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có lẽ điều này giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn nhất, ông có chia sẻ gì điều này?
- Tôi rất đồng tình nhưng muốn nói thêm: Khi chúng ta vươn lên để vượt qua chính mình đòi hỏi phẩm chất dũng cảm. Đảng chính trị không dám nhìn vào sai lầm, khuyết điểm của mình thì không trông chờ gì sự đổi mới, phát triển thực sự. Khó khăn có khách quan, nhưng nhiều khó khăn do chủ quan, do sai lầm chúng ta phạm phải. Sai lầm có thể do nhận thức, ấu trĩ mà ta chưa trải qua, có sai lầm do duy ý chí bị “trừng trị” bởi quy luật khách quan do không phù hợp.
Do đó, phải có có bản lĩnh, phẩm chất rất dũng cảm nhìn vào sai lầm, hạn chế để khắc phục, vượt qua thì mới có thành công như thời gian vừa qua.
Xin cảm ơn ông!