Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định sức mạnh cộng đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những hoạt động diễn ra trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2011 thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người là hội thảo quốc tế "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại" (diễn ra vào 11 và 12/4/2011).

KTĐT - Một trong những hoạt động diễn ra trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2011 thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người là hội thảo quốc tế "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại" (diễn ra vào 11 và 12/4/2011).

Thu hút bởi hiện tại, hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã được gửi đến UNESCO để tập tục truyền thống và mang đầy dấu ấn Việt này được thế giới vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu của Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam - đơn vị chủ trì thực hiện Hồ sơ di sản cũng là đơn vị tổ chức Hội thảo - khẳng định: Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hiện đại, khi hệ thống giá trị đạo đức truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong hệ thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là cơ hội gắn kết cộng đồng, hun đúc tinh thần dân, (Tiếp theo trang 13)

củng cố tâm thức con người Việt Nam về ý thức cội nguồn, về trách nhiệm của người dân với Tổ quốc. Vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương đã được các cơ quan quản lý văn hóa quan tâm trong nhiều năm qua. Thế nên, để thuận lợi hơn cho việc thảo luận những vấn đề chung về lý thuyết, phương pháp, cũng như hiệu quả của công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương, Viện "mở ra" hội thảo khoa học quốc tế "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam)".

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương sẽ được nhìn dưới lăng kính của thời đại với nhiều góc độ nhưng cũng đầy thực tế. Không đơn thuần chỉ có một số vấn đề lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới, mà còn cả cái nhìn góc cạnh và tinh tế về Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới: Nghi thức thờ cúng, phong tục tập quán liên quan, giá trị lịch sử và văn hóa. Ở đây có cả cái nhìn ngược lại quá khứ (Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam: Quá trình hình thành, phát triển và những giá trị lịch sử, văn hóa), rồi cái nhìn theo dọc chiều dài thời gian (Sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại) và cái nhìn tâm huyết về tương lai (Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa).

Có nhiều cách tiếp cận để tìm cách bảo tồn giá trị đặc sắc, có một không hai của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở người Việt bao đời, nhưng dù từ góc độ nào các nhà nghiên cứu cũng đều khẳng định: Thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác đã phải chịu cảnh thăng trầm, nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ý thức "có tổ, có tông" của con người được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù họ sống trên đất mẹ hay mưu sinh, lập nghiệp nơi đất khách quê người. Đặc biệt, đây là hình thức tín ngưỡng có sức sống lâu bền, được các thể chế chính trị từ buổi bình minh của lịch sử đến nay luôn thừa nhận.

Theo tiến trình lịch sử của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức của con người Việt Nam, luôn thủy chung nhân hậu, có trước có sau… Tự thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hóa nhân bản. Chính vì lẽ đó mà người Việt Nam có thể chấp nhận nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng phong tục tốt đẹp này vẫn tồn tại và được chấp nhận như một lẽ đương nhiên của cộng đồng mà không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Việc cúng khấn là tự tâm nhưng hàm chứa sự thành kính, linh thiêng, có sức lay động tâm tư, tình cảm con người, tạo được sức mạnh cố kết cộng đồng, làm nên tinh thần quốc gia, dân tộc. Tự bản thân phong tục này đã khẳng định: Từ xa xưa, cha ông ta đã có một đời sống tín ngưỡng tự do và rất dân chủ. Vì lẽ đó, kho tàng văn hóa làng xã của Việt Nam hết sức phong phú và giàu bản sắc. Thờ cúng tổ tiên còn là hình thức tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, con người gắn bó với nhau trong một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên. Vai trò ấy rõ hơn khi nhìn về vấn đề thờ Quốc Tổ.

Hành trình lập hồ sơ di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã góp phần làm giàu cho kho tư liệu về di sản này ở Việt Nam: tư liệu hóa tư liệu sưu tầm tại 59 điểm thờ Hùng Vương; sưu tầm tư liệu ảnh; làm sách "Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương"; điều tra thu thập tài liệu trong và ngoài nước; làm thư mục về Hùng Vương và tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ; phục hồi, nâng cấp hai lễ hội để quay phim làm tư liệu; làm phim, album ảnh, bản đồ điện tử "Các làng thờ phụng Hùng Vương ở Phú Thọ"; xuất bản các công trình về tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ… Đây sẽ là nền tảng để gìn giữ và phát triển di sản truyền thống lâu đời này của người Việt.