Khánh Hòa đề nghị Tập đoàn Phúc Sơn nộp ngân sách gần 12.000 tỷ đồng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương thực hiện nộp tiền vào ngân sách Nhà nước số tiền gần 12.000 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - tài chính - du lịch Nha Trang (khu đất thuộc sân bay Nha Trang cũ).

Tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, nếu công ty có vướng mắc hoặc kiến nghị, đề xuất thì có báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Khu đất dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - tài chính - du lịch Nha Trang. Ảnh: Trung Vũ.
Khu đất dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - tài chính - du lịch Nha Trang. Ảnh: Trung Vũ.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Tập đoàn Phúc Sơn cho biết đơn vị đã có văn bản phúc đáp lại yêu cầu trên. Trong đó nêu rõ, Tập đoàn Phúc Sơn cam kết việc nộp đúng, đủ sau khi giá đất khu sân bay Nha Trang, giá trị nộp ngân sách của nhà đầu tư được tính toán, xác định trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại Khánh Hòa, ngày 30/6/2021, ông Trần Văn Minh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ký thông báo Kết luận TTCP về việc việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo Kết luận của TTCP, 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, 3 dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư (NĐT) gồm dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang; dự án nút giao Ngọc Hội; dự án đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.

"Đối với 3 dự án BT do Công ty Phúc Sơn làm NĐT, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt để xuất dự án phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) lựa chọn NĐT, ký kết hợp đồng BT cơ bản tuân theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 4848/BKHĐT-QLĐT ngày 23/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư" - Kết luận của TTCP nêu.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để rà soát các Hợp đồng BT theo Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ.

Kết quả rà soát các thủ tục ký kết Hợp đồng BT được đánh giá phù hợp theo quy định tại Nghị định số 15/ND-CP, Nghị định số 30/NĐ CP của Chính phủ; Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 183/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, TTCP đã phát hiện một số sai phạm đáng chú ý như việc lập, thẩm định, phê duyệt BCNCKT, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án BT lên 499,2 tỷ đồng.

Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nêu trên của 3 dự án BT thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa; Giám đốc các Sở; Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Ban quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa (nay là Ban Nông nghiệp); Ban quản lý dự án phát triển tỉnh; NĐT và các nhà thầu Tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ của dự án và các đơn vị, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2014 - 2019) nghiêm túc kiểm điểm và để xuất hình thức xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tổng TCCP cũng đề nghị, đối với 3 hợp đồng BT do Tập đoàn Phúc Sơn làm NĐT, ban hành quyết định bổ sung giao đất, cho thuê đất để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư theo hình thức BT; xử lý diện tích đất còn lại theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Đồng thời, rà soát lại đơn giá, định mức, biện pháp thi công, chi phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục đầu tư để phê duyệt lại BCNCKT làm căn cứ cơ sở điều chính hợp đồng BT, phê duyệt thiết kế dự toán (đảm bảo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm xác định giá thu tiền sử dụng đất).

TTCP cũng yêu cầu giảm 499,2 tỷ đồng tổng mức đầu tư và nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị có liên quan trong việc thẩm định 3 dự án này. Giảm 5% giá trị xây lắp khi quyết toán công trình dự án BT theo đúng cam kết của NĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo giá trị dự toán được duyệt là 97,933 tỷ đồng).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần