Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa muốn phát triển thêm diện tích nuôi biển công nghệ cao

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khánh Hòa cần hơn 545 tỷ đồng để triển khai mở rộng thêm 240 ha nuôi biển công nghệ cao trong thời gian tới.

Ngày 14/10, theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng đã ký ban hành kế hoạch triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. 
Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. 

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2029, Khánh Hòa muốn mở rộng khoảng 240 ha nuôi biển công nghệ cao và cần nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng.

Cụ thể, dự toán kinh phí chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu nhựa HDPE giai đoạn 1 (từ nay - đến hết năm 2025) dùng để mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 30 ha (khoảng 150 hộ), với tổng kinh phí dự kiến 75,32 tỷ đồng.

Trong đó, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup sẽ hỗ trợ 25,38 tỷ đồng để mở rộng mô hình nuôi biển công nghệ cao trên diện tích 14 ha cho 70 hộ dân. Người dân sẽ đóng góp 14,1 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí cho mô hình này lên 39,48 tỷ đồng.

Đối với 16 ha còn lại, tổng kinh phí ước tính khoảng 35,84 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 10,752 tỷ đồng, người dân đóng góp 14,336 tỷ đồng và các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội cùng các tổ chức tín dụng khác là 10,752 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra các mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra các mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao.

Giai đoạn 2 (năm 2026- 2027) mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 100 ha, với tổng kinh phí dự kiến 225 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 67,5 tỷ đồng; nguồn vốn do người nuôi đóng góp 90 tỷ đồng; nguồn vốn vay khoảng 67,5 tỷ đồng.

Giai đoạn 3 (năm 2028 - 2029) mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 110 ha, với tổng kinh phí dự toán 245 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 73,5 tỷ đồng; nguồn vốn do người nuôi đóng góp 98 tỷ đồng; nguồn vốn vay khoảng 73,5 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch nói trên nhằm cụ thể hoá Thông báo số 947-TB/TU ngày 24/7/2024 của Tỉnh uỷ Khánh Hòa kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà; từng bước thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị.

Khánh Hòa phấn đấu trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển...
Khánh Hòa phấn đấu trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển...

Đồng thời, xây dựng nghề nuôi biển tỉnh Khánh Hòa theo hướng tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó là góp phần bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.