Khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành dấu son lịch sử không thể phai mờ của báo chí cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của các thế hệ làm báo suốt nhiều thập kỷ qua.

 Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Ngày 4/4, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949- 4/4/2019) và khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là hạt nhân của báo chí cách mạng. Trong 3 tháng hoạt động, lớp học có 29 giảng viên trực tiếp giảng dạy. Trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt 70 năm qua.
Từ những bước phát triển đầu tiên này, đến nay, chúng ta đã có hơn 10 cơ sở đào tạo báo chí trình độ đại học, trên đại học, hơn 900 cơ quan báo chí trên cả nước. “Với việc công nhận di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sưu tầm các tư liệu và giữ gìn, phát huy giá trị của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
 Khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Nhằm khắc ghi một sự kiện lịch sử gắn liền với một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng”, đồng thời trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước đã được khoanh vùng bảo vệ là nơi đặt Bia Di tích với diện tích 859 m2 thuộc lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47. Trước đó, ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Tại buổi lễ, những hình ảnh, hoạt động về ngôi trường dạy làm báo đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến đã được tái hiện lại, mang lại nhiều cảm xúc, niềm tự hào cho các thế hệ làm báo suốt nhiều thập kỷ qua. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành khu trưng bày chuyên đề: 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật, bút tích, hình ảnh đều là bản gốc lần đầu tiên được biết đến và lần đầu tiên được công bố.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng:
 Những hình ảnh, hoạt động về ngôi trường dạy làm báo đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến đã được tái hiện lại, mang lại nhiều cảm xúc cho thế hệ làm báo thời nay.
 Các đại biểu, nhà báo giao lưu với khán giả tại lễ kỷ niệm.
 Các đại biểu tham quan khu trưng bày chuyên đề 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
 
 Các đại biểu, đại diện gia đình nhà báo nguyên là Ban giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường chụp ảnh lưu niệm tại Bia Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 
 Hội Nhà báo TP Hà Nội  chụp ảnh lưu niệm với Nhà báo Lý Thị Trung (giữa)- một trong các cựu học viên, đại diện cho 42 học viên khóa học đầu tiên và duy nhất Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước.