Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh thành cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương - Đồng Nai

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Bạch Đằng 2 và đường dẫn có quy mô 4 làn xe, nối giữa thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư của dự án gần 500 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng 2. Ảnh: BTC.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng 2. Ảnh: BTC.

Sáng 23/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khánh thành cầu Bạch Đằng 2 nối liền 2 xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào tháng 12/2021, có tổng chiều dài 2,8km, riêng phần cầu bắc qua sông Đồng Nai dài 410m, rộng 17m với 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư cho dự án này là gần 491 tỷ đồng, từ ngân sách của 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Dự án do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.

Cầu có chiều dài toàn tuyến gần 950m; trong đó phần cầu dài 401m, phần đường dẫn đầu cầu dài 545m. Phần đường dẫn phía Bình Dương dài 289m; phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 256m...

Dù là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều mối liên hệ về kinh tế, văn hóa nhưng trong nhiều năm qua, chỉ có 2 cây cầu kết nối trực tiếp Bình Dương - Đồng Nai là cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1A và cầu Thủ Biên. 

Diện mạo cây cầu thứ 3 nối đôi bờ tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Ảnh: BTC.
Diện mạo cây cầu thứ 3 nối đôi bờ tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Ảnh: BTC.

Cầu Bạch Đằng 2 kết nối đường 747 (tỉnh Bình Dương) và đường 768 (tỉnh Đồng Nai) sẽ góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của Nhân lực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các công trình kết nối Bình Dương - Đồng Nai được xây dựng còn tạo ra các trục kết nối thuận tiện cho hàng hóa, phương tiện từ các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ lưu thông tới sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải...